Tác động đến quốc phòng, an ninh
Bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động tình báo, gián điệp để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước chống phá Việt Nam, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được ban hành và triển khai thi hành tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước ta về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phân định rõ phạm vi của bí mật nhà nước trên các lĩnh vực sẽ góp phần minh bạch hóa công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Luật cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân và phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin về phạm vi thông tin mà công dân được tiếp cận. Việc minh bạch, rõ ràng thông tin sẽ củng cố sự tin tưởng của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải mật các tin, tài liệu đang lưu giữ, bảo quản, từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước (thời gian, nhân lực, kho, bãi, thiết bị bảo quản, giám sát, phòng cháy chữa cháy…). Mặt khác, có thể sử dụng các thông tin thuộc bí mật nhà nước đã được giải mật phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài hoặc khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào thị trường du lịch, khai thác khoáng sản, thăm dò dầu khí.… Do đó, quán triệt, thực hiện tốt Luật Bảo vệ bí mật nhà nước góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Tác động đến quản lý nhà nước
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, quy định thống nhất về thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước, bảo đảm phân định thống nhất về bí mật nhà nước ở các cấp độ, các ngành, các lĩnh vực khác nhau, góp phần làm tăng tính hiệu quả trong quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, quy định rõ đối tượng và trách nhiệm phải bảo vệ bí mật nhà nước đối với các bí mật nhà nước được tiếp cận, cung cấp, sử dụng, phổ biến, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước; làm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan, tổ chức.
Việc xây dựng, cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật nhà nước dựa trên các tiêu chí, căn cứ rõ ràng, rành mạch trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tránh được tình trạng mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi của bí mật nhà nước không đúng; hạn chế được tình trạng xác định sai độ mật, đóng dấu mật tràn lan hoặc không xác định độ mật đối với văn bản có nội dung bí mật nhà nước, từ đó có biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước phù hợp, giảm thiểu số vụ việc lộ, lọt bí mật nhà nước; đồng thời, tăng cường cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Tác động về giới
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định các chủ thể thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới. Hiện nay, qua khảo sát thực tế, đa số cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ là phụ nữ. Vì vậy, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đưa ra những quy định về giải mật, giảm mật sẽ hạn chế được tình trạng quá tải trong công tác văn thư, lưu trữ, qua đó, góp phần giảm áp lực công việc đối với những cán bộ nữ có liên quan đến công tác này.