Hệ thống Smart Agri được ứng dụng nhằm nâng cao năng suất chất lượng dưa lưới tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM
Từ lâu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong nông nghiệp đã chứng tỏ khả năng làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và tiết giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống cũ. Một trong những minh chứng tiêu biểu của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là khu nhà màng trồng dưa lưới rộng hơn 1.000m2 tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của công ty Global CyberSoft (GCS).
Trao đổi với báo Khám phá, ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc công ty Global CyberSoft (GCS) cho biết khu trồng dưa lưới lúc nào cũng sai lúc lỉu với chất lượng quả vượt trội này được chăm sóc hoàn toàn bằng công nghệ tự động, ứng dụng công nghệ thông tin và hạn chế tối đa nhân công. Đặc biệt, số dưa lưới này được trồng bằng hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao (Smart Agri) do Khu công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với GCS và Khu Nông nghiệp công nghệ cao thực hiện.
Không chỉ vậy, với việc áp dụng hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin, Smart Agri còn cho phép người dùng lập kế hoạch và tính toán chi phí, doanh thu trên từng mùa vụ một cách chính xác nhất. Đồng thời, thiết lập một hệ sinh thái tương tác giữa nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và thu mua để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm...Ông Toàn chia sẻ, Smart Agri là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản mới được công ty đưa vào thử nghiệm cách đây không lâu. “Nếu như trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện bằng con người và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, thì với phần mềm này, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng. Điều này đảm bảo cho các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở một mức độ phù hợp nhất”.
Được biết, hệ thống Smart Agri đã được sử dụng thử nghiệm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao từ cuối tháng 12/2015 với sản phẩm đầu tiên là dưa lưới. Sau 3 tháng triển khai, vừa qua, hơn 2 tấn dưa đã đến mùa thu hoạch và tung ra thị trường, mang lại doanh thu hơn 60 triệu đồng. “So với phương pháp trồng truyền thống, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10% trên cùng một diện tích, chất lượng dưa cũng đồng đều, đảm bảo chất lượng hơn”, một kỹ sư của Khu Nông nghiệp công nghệ cao đánh giá.
Theo ông Toàn, được ứng dụng công nghệ thông tin nên hầu như các quy trình hoạt động của hệ thống đều được tiến hành một cách tự động. Từ đó, giúp giảm khá nhiều chi phí nhân công chăm sóc, vốn là một yếu tố chiếm chi phí khá lớn trong nông nghiệp. Do chạy trên một hệ lập trình có sẳn, nên những ảnh hưởng tiêu cực do yếu tố chủ quan từ con người cũng được triệt tiêu. Điều này góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tối giản chi phí sản xuất.
Đặc biệt, hệ thống còn có thể đưa ra những phân tích, thống kê và dự đoán nhu cầu thị trường của sản phẩm, giúp cho người nông dân có sự lựa chọn đúng đắn khi bắt tay vào sản xuất, tránh lâm vào cảnh được mùa mất giá như thời gian qua.