Theo UBND tỉnh, thời gian qua, trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.
Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: Giả danh các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án...); mạo danh, giả danh cán bộ, chiến sỹ quân đội; tuyển cộng tác viên trên các sàn giao dịch điện tử, vay online...; chiếm quyền các tài khoản mạng xã hội để mạo danh vay tiền bạn bè, người thân; kết bạn làm quen, hứa hẹn tặng quà có giá trị... Nạn nhân thường bị kẻ lừa đảo dẫn dụ, thao túng tâm lý, gài bẫy yêu cầu nộp tiền, chuyển tiền để chiếm đoạt. UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên không gian mạng.
Tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Xu hướng trong thời gian tới các đối tượng sẽ lợi dụng công nghệ cao như: AI, Chat GPT, mạng xã hội... để hoạt động; triệt để lợi dụng những vướng mắc, sở hở, bất cập trong các quy định của pháp luật để hoạt động lừa đảo với các hình thức, thủ đoạn biến tướng.
Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp, lập các app, website để hoạt động, điều hành hoạt động, móc nối với các doanh nghiệp có chức năng, sử dụng SIM “rác”, tài khoản ảo để kinh doanh, buôn bán, kêu gọi vốn, tặng quà... hết sức tinh vi với nhiều bộ phận, nhiều công đoạn.
Do đó, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các lực lượng chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tìm hiểu các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin chỉnh thống của địa phương và lực lượng công an.
Chia sẻ, tuyên truyền cho cộng đồng, người thân, bạn bè để chủ động phòng tránh, tố giác tội phạm và cung cấp thông tin cho lực lượng công an nơi gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ hoặc qua dường dây nóng: 02513.685.134 (Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Nai).
Đối với lực lượng công an nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tăng cường công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người gắn với rà soát các loại đối tượng ở địa bàn cơ sở. Kiểm tra, cấp, quản lý chặt chẽ các loại giấy tờ công dân, con dấu của cơ quan, tổ chức góp phần phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, lực lượng chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các cơ quan báo, đài để nâng cao tỉnh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mới.
Về phía ngân hàng quản lý chặt việc mở tài khoản, nhất là tài khoản online. Thiết lập cơ chế phối hợp phản ứng nhanh với lực lượng công an, kịp thời trao đổi thông tin liên quan, phong tỏa tài khoản trong xác minh, truy tìm, truy xét nhanh dòng tiền, ngăn chặn tối đa thiệt hại tài sản cho người dân./.