Toàn tỉnh có 1 ngàn Tổ công nghệ số cộng đồng
Tại điểm cầu trụ sở Viễn thông Đồng Nai có 60 đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tham dự. Ngoài ra, hội nghị còn tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận liên quan đến nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng; các giải pháp số phổ biến về thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử Postmart…
Qua đó, giúp cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cập nhật kịp thời các kiến thức, kỹ năng số nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số đến từng hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về công nghệ số, góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc cho biết, thực hiện hướng dẫn của Bộ TT-TT về việc thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 8-6-2022 về việc tổ chức triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tính đến nay, đã có 11/11 huyện/thành phố trong tỉnh có văn bản, kế hoạch triển khai đến 170 UBND cấp xã. Các địa phương, đơn vị đã thành lập được 1 ngàn Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 6.441 thành viên.
Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà…
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT), chương trình đào tạo, tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng có sự đồng hành của một số doanh nghiệp công nghệ như: VNPT, Vietnam Post, Bkav... Qua đó, góp phần gắn kết doanh nghiệp với các địa phương, mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ cho người dân của các doanh nghiệp.
Chương trình tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số nói chung và hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng. Mục tiêu đến hết tháng 11-2022, 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến thông qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Được tổ chức trực tiếp tại các địa phương, kết hợp trực tuyến qua các điểm cầu hội nghị trực tuyến đến 100% cấp xã, các khóa bồi dưỡng sẽ cung cấp thông tin cho các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Tổ chức và duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng được Bộ TT-TT xác định là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số năm 2022.
Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho rằng, chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Chính vì vậy, các Tổ công nghệ số cộng đồng là "cánh tay nối dài" của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, phố.
Tuy nhiên, do mới thành lập, hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức của người dân về chuyển đổi số chưa cao; một số thành viên trong tổ chưa nắm rõ và thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số chưa đồng bộ, các công cụ liên quan như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân…
Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính đến ngày 31-8-2022, cả nước đã thành lập được 45.895 tổ công nghệ số cộng đồng tại 51/63 tỉnh, thành phố với hơn 211,7 ngàn thành viên.