Hải đoàn 42 - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 trao cờ Tổ quốc cho ngư dân thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hoàng Vũ
Ngư dân vừa là những người trực tiếp tham gia khai thác các tiềm năng kinh tế biển, vừa đồng hành cùng các lực lượng chấp pháp trên biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đồng thời, quá trình đánh bắt hải sản, ngư dân còn được coi là những “cột mốc sống” trên biển. Mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ biển, họ là tai mắt kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng giúp các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn 42 đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, sát cánh, đồng hành, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Tuy đóng quân phân tán nơi vùng xa và hải đảo, trong điều kiện mới được tổ chức lại từ Hải đội 402 (Vùng Cảnh sát biển 4), cơ sở vật chất, thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng, giao thông đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ toàn Hải đoàn đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện phương châm “bờ có vững thì ngư dân mới yên tâm bám biển, vươn khơi”, Hải đoàn 42 đã chủ động triển khai chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng các địa phương ven biển, các xã, huyện đảo vững mạnh, tạo nền tảng cho xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, rộng khắp trên biển. Hướng vào việc nâng cao nhận thức về pháp luật, hướng dẫn một số điều cần thiết dành cho người đi biển, cách nhận biết pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới và khu neo đậu tránh trú bão. Tại các âu tàu, làng chài, công tác tuyên truyền cho bà con được làm thường xuyên, song song với công tác dân vận, giúp ngư dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi đến với âu tàu, làng chài; hướng dẫn cách di chuyển tàu, thuyền khi có bão, cách neo đậu tàu, thuyền ở nơi trú bão, nuôi, trồng thủy sản ven biển; cách nhận biết về bão, lũ; phương pháp phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người và tài sản, giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi hoạt động trên biển.
Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 42 cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nội dung tuyên truyền, giáo dục toàn diện, có chiều sâu, tập trung vào: Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017... Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng chí Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển phát biểu trong buổi thăm, làm việc tại Hải đoàn 42. (Ảnh: Minh Hiển).
Đặc biệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hải đoàn 42 luôn coi trọng các hoạt động giúp đỡ ngư dân vươn khơi khai thác, sản xuất, phát triển kinh tế biển. Thường xuyên tổ chức các chuyến tàu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển cũng như các âu tàu, làng chài; tập trung vào hoạt động giám sát nghề cá, tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, ngăn chặn để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi tàu và ngư dân gặp nạn trên biển. Trong bối cảnh tình hình thiên tai, mưa bão có nhiều diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn đã cứu hộ, cứu nạn kịp thời nhiều tàu cá của ngư dân gặp nạn, bảo đảm an toàn tính mạng cho hàng trăm lượt ngư dân... tạo niềm tin, chỗ dựa để họ yên tâm sản xuất. Anh Lê Văn Thành ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: "Trong thiên tai, lực lượng Hải đoàn 42 luôn là những là những người chúng tôi nghĩ đến trước tiên. Sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn đã là cơ sở quan trọng để bà con ngư dân yên tâm trong mỗi chuyến ra khơi".
Trong năm 2020 vừa qua, cùng với việc làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi; cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 42 đã tích cực giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đóng quân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai do hạn hán xâm nhập mặn; phòng, chống đại dịch COVID-19; thực hiện tốt chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”... Theo đồng chí Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhiều nhiệm vụ đan xen nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 42 đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; thực sự là điểm tựa của ngư dân; góp phần tô đẹp thêm truyền thống của lực lượng Cảnh Sát biển Việt Nam.
Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và thực thi pháp luật trên biển sẽ có những đòi hỏi ngày càng cao. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn 42 sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy và làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các lực lượng trong xây dựng “thế trận lòng dân”, giúp ngư dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; phối hợp với các lực lượng trên biển làm điểm tựa vững chắc để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Qua đó, góp phần tạo thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trên biển, thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong việc gắn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế biển của đất nước./.