Ảnh minh họa
Sở hữu nhiều tàu cá
Nhưng riêng đội tàu của các ngư dân Luận, Thạch, Bi, sản lượng đánh bắt mỗi năm luôn giữ ở mức cao. Họ cũng là gia đình ngư dân sở hữu nhiều tàu nhất của địa phương”, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm cho biết.
|
Là anh trai cả, ông Luận là người đóng tàu sớm nhất trong 3 anh em. Năm 1995, sau 8 năm làm thuê, ông Luận lúc đó vừa tròn 26 tuổi, đã hùn hạp cùng 3 anh em khác tại địa phương để đóng mới một chiếc tàu trị giá hơn 70 cây vàng. Lấy ngắn nuôi dài, vài năm sau đó, ông Luận đóng tiếp cho mình 2 tàu cá, với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Nối gót anh trai, ông Thạch và ông Bi cũng đi làm thuê trên các tàu để tích lũy tiền và kinh nghiệm, rồi sau đó lần lượt sắm tàu trị giá tiền tỷ ở tuổi 29, 30...
“Ban đầu, đội tàu của gia đình tôi chuyên làm nghề lưới vây ở vùng khơi. Về sau, anh Luận tiên phong chuyển sang nghề lưới rút. Anh mày mò, sáng tạo nên hình thức đánh bắt mới gọi là lưới rút cây - nghĩa là dùng lưới rút để vây bắt đàn cá trú ẩn bên dưới những thân cây trôi nổi giữa biển và đạt hiệu quả cao. Từ sự hướng dẫn của anh Luận, chúng tôi đồng loạt chuyển đổi từ lưới vây sang lưới rút và liên tục thắng lớn. Nhờ đó, chúng tôi tiếp tục có tiền để hùn hạp, sắm thêm tàu”, ngư dân Huỳnh Bi kể.
Sẵn lòng giúp đỡ ngư dân
Sinh ra và lớn lên trong gia đình ngư dân nghèo, từng trải qua những năm tháng làm thuê trên các tàu cá, 3 anh em ngư dân Luận, Thạch, Bi luôn dặn nhau cố gắng tương trợ, giúp đỡ các ngư dân ở quê hương.
Làm việc trên tàu của 3 anh em nhà họ Huỳnh, các ngư dân ai nấy đều được góp vốn làm ăn và chia lợi nhuận. Ai không có vốn, sẽ được 3 anh em hỗ trợ bằng cách cho mượn tiền trước và không lấy lãi. “Các anh có tàu, còn mấy anh em ngư dân chúng tôi thì góp lưới. Dàn lưới hơn 1 tỷ, anh Luận cho 10 anh em trên tàu mượn tiền không lãi suất để mua rồi trả góp dần dần. Vừa đi bạn, vừa được hùn lưới, nên mỗi năm, chúng tôi được chia 70% lợi nhuận, 30% còn lại là của chủ tàu. Cách hỗ trợ thiết thực này đã tạo điều kiện cho những người thiếu vốn như chúng tôi được nâng cao thu nhập qua mỗi chuyến biển. Nhờ vậy, suốt 15 năm gắn bó với tàu gia đình anh Luận, tôi có thu nhập ổn định từ 130 - 150 triệu đồng mỗi năm”, ngư dân Bùi Công Tôn, ở phường Phổ Quang, kể trong niềm phấn khởi.
Không chỉ hỗ trợ, cho ngư dân mượn vốn, đội tàu của ngư dân Luận, Thạch và Bi còn lập nên các quỹ tương trợ tại mỗi tàu. Quỹ này được dùng để hỗ trợ anh em thuyền viên khi không may ốm đau, tai nạn.
Vừa trở về từ Đà Nẵng, ngư dân Bi cho biết, tôi và các ngư dân khác trên tàu vừa đóng góp hơn 15 triệu đồng để đưa một thuyền viên không may bị té ngã từ cabin xuống sàn tàu đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. “Chúng tôi tự quy ước với nhau rằng, hễ ai không may bị tai nạn, ốm đau trên tàu, thì tất cả các thành viên còn lại sẽ hùn tiền cho người đó chữa trị. Đây là cái tình, cái nghĩa của ngư dân miền biển chúng tôi. Bởi khi đi tàu, chúng tôi ăn chung mâm, ngủ chung chiếu, chăm sóc nhau lúc đau ốm, không khác gì ruột thịt”, ngư dân Huỳnh Bi quả quyết.
Gắn bó với ngư trường truyền thống
Lựa chọn gắn bó với nghề đánh bắt hải sản xa bờ, 3 anh em ngư dân nhà họ Huỳnh ở biển nhiều hơn ở bờ. Mỗi năm, họ chỉ ở đất liền khoảng 1 tháng vào những ngày dông gió, biển động. Còn lại, họ đều cần mẫn theo tàu thẳng tiến ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
Bắt đầu theo tàu đi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa từ năm 1991, đến nay, ngư dân Luận vẫn luôn xem đây là ngư trường đánh bắt truyền thống của mình. Ngoài 50 tuổi, nhưng đều đặn mỗi năm, ngư dân Luận luôn can trường lái đội tàu của gia đình mình thực hiện hàng chục chuyến biển.
Lần giở quyển số ghi chép sản lượng hải sản đánh bắt được trong năm nay, ngư dân Luận tươi cười bảo, năm nay, đội tàu của 3 anh em nhà tôi đánh bắt được hơn 500 tấn hải sản. Trong đó, 2 chiếc đánh bắt đạt nhất là QNg 98559TS và QNg 98959TS, với tổng doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Nhờ bám ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, nên việc đánh bắt chẳng những đạt năng suất cao, mà anh em chúng tôi còn săn được nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ sọc dưa, cá nục chuối, cá ngừ đại dương...
Trong hải trình vươn khơi, bám ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, đội tàu của 3 anh em nhà họ Huỳnh từng nhiều lần tương trợ, giúp đỡ các tàu không may gặp nạn trên biển. Như trường hợp tàu cá của ngư dân Lê A, ở phường Phổ Quang bị gãy bánh lái tại ngư trường Trường Sa. “Lúc tàu gặp sự cố, tôi phát tín hiệu cầu cứu và được tàu của em Luận ứng cứu kịp thời. Tàu của Luận lúc đó mới vừa vươn khơi được vài ngày, đánh bắt chưa đủ bù vào tiền tổn, nhưng vẫn nhiệt tình lai dắt tàu tôi từ Trường Sa về đến đất liền", ngư dân Lê A nói.
Sở hữu đội tàu công suất lớn, đánh bắt hải sản hiệu quả nhất nhì ở phường Phổ Quang, với doanh thu hơn chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng ngư dân Luận, Thạch và Bi cùng chia sẻ rằng, niềm tự hào lớn nhất của họ, chính là đội tàu của gia đình đã góp phần tăng thêm sự hiện diện của lá cờ Tổ quốc trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam./.