Y học, khái quát nhất, được hiểu là là khoa học ứng dụng liên quan đến chẩn đoán, tiên lượng, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Y học gồm nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe với mục đích duy trì, hồi phục sức khỏe từ việc phòng ngừa và chữa bệnh1. Y học vốn tồn tại từ hàng nghìn năm trước và có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo và triết học theo từ bản sắc văn hóa địa phương2.
Đổi mới trong chăm sóc sức khỏe: Thách thức và vai trò của chuyển đổi số
Thứ năm, 01/10/2020 08:55
Các công nghệ trong và ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và IoMT (The Internet of Medical Things) đang cùng nhau tạo ra một tác động đáng kể đến ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung, mà trọng tâm khi đó sẽ là bệnh nhân để có kết quả điều trị tốt hơn với chi phí thấp hơn với các trải nghiệm tiện ích được gia tăng.
Theo thần thoại thần thoại Hy Lạp cổ đại, Asclepius là Thần y, và "cây gậy Asclepius" với con rắn quấn quanh, vẫn là một biểu tượng được công nhận rộng rãi của y học. Khi khoa học hiện đại ra đời, y học là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học cùng với việc ứng dụng ngày càng nhiều các công nghệ vào quá trình chuẩn đoán, điều trị hay phòng ngừa. Dù vậy, chăm sóc y tế hiện nay đang tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chữa trị - chăm sóc kiểu đáp ứng cho người bệnh, thay vì chăm sóc chủ động - giúp ngăn ngừa bệnh tật, phù hợp với khái niệm đầy đủ về y học.
Kết quả là, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức là các bệnh mãn tính gắn liền với đời sống con người và năng lực chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng cùng với sự tăng lên của điều kiện sống.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang trải qua quá trình chuyển đổi là một thực tế không thể phủ nhận. Để đối mặt với tình trạng các bệnh mãn tính kéo dài, chi phí tốn kém và dân số già hóa, một mặt khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết những thách thức này, mặt khác cần phải có một mô hình chăm sóc sức khỏe phù hợp. Hướng tới cách tiếp cận chăm sóc chủ động và dự phòng đòi hỏi phải có những hiểu biết lâm sàng sâu sắc, dựa trên dữ liệu được xử lý để bác sĩ đưa ra các quyết định tiên lượng, chẩn đoán kịp thời. Theo báo cáo gần đây của Deloitte, ngành y tế đang có khoảng 500.000 công nghệ được ứng dụng3.
Ngày nay, chúng ta cũng đang chứng kiến quá trình số hóa trong quản lý thuốc men, thiết bị, dịch vụ và cả mô hình vận hành hệ thống y tế đang làm cho tiếp cận các dịch vụ y tế trở nên dễ dàng hơn thay vì mô hình truyền thống sử dụng con người. Giờ đây, khi vào các cơ sở y tế, sự đồng bộ thông tin giữa các khâu, các bộ phận trong quy trình khám, chữa bệnh còn giúp giảm tải trong khâu quản lý và vận hành. Điều này đã làm cho chủ đề chuyển đổi số trở thành ưu tiên chiến lược cốt lõi cho tất cả những người tham gia công tác chăm sóc sức khỏe, khi họ cố gắng chứng minh giá trị của việc chẩn đoán, điều trị dựa trên kết quả và dựa trên phân tích dữ liệu đã được dự đoán từ trước.
Việc áp dụng các công nghệ này đang được triển khai trong các chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe, ví dụ như Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia 2020 tại Ả Rập Saudi hay tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"4, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh5.
Tuy nhiên, việc triển khai những công nghệ đó dẫn đến một loạt thách thức khác - quyền riêng tư và an toàn mạng về dữ liệu của từng cá nhân, và thậm chí là khả năng chọn lọc và xử lý khối lượng dữ liệu lớn (ở mức độ cá nhân và toàn bộ dân số). Dưới đây là một số đổi mới đang nổi lên trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như mô hình dịch vụ đang trở nên phổ biến:
Internet of Medical Things - Thúc đẩy đổi mới dịch vụ chăm sóc y tế mọi lúc, mọi nơi
Internet of Medical Things (IoMT) là một thuật ngữ mô tả tất cả các thiết bị y tế được kết nối với hệ thống máy tính của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua Internet. Những thiết bị này có thể tạo, thu thập, phân tích và truyền dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Các thiết bị trong IoMT bao gồm thiết bị đeo, theo dõi bệnh nhân từ xa, giường bệnh viện kích hoạt cảm biến và bơm tiêm truyền, hệ thống theo dõi thuốc, cung cấp y tế và theo dõi kiểm kê thiết bị. Nói một cách đơn giản, các thiết bị này thu thập và truyền dữ liệu qua Internet đến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép họ theo dõi sức khỏe của bệnh nhân từ xa.
IoMT còn được gọi là IoT trong chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của IoMT là làm cho hoạt động chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn cho bệnh nhân và hiệu quả cho các nhà cung cấp và cả các công ty bảo hiểm. Theo báo cáo của Forbes6: Internet Internet of Medical Things (IoMT) đã sẵn sàng để thay đổi cách chúng ta giữ cho mọi người an toàn và khỏe mạnh, đặc biệt là khi nhu cầu về các giải pháp để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe trong những năm tới.
IoMT hỗ trợ phát triển cách thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép thu thập và chia sẻ thông tin y tế với các bác sỹ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và cho phép họ can thiệp khi cần thiết một cách chủ động, cho phép họ phản ứng nhanh với các vấn đề khi chúng xảy ra, thay vì chờ bệnh nhân đến bác sĩ. Bốn hình thức ứng dụng do IoMT được kể đến, bao gồm:
Các thiết bị gắn trên cơ thể (On-body devices hay Wearable): bao gồm các thiết bị đeo tay của người tiêu dùng như quần áo thông minh, các thiết bị đeo tay theo dõi tình trạng vận động, thiết bị đeo tay y tế và thiết bị cấy ghép thông minh có thể truyền dữ liệu đến máy chủ đã có mặt trên thị trường. Ngay cả các nhà sản xuất thiết bị đeo tay thông thường cũng đang phát triển các tính năng cấp y tế cho các sản phẩm của họ; ví dụ gần đây nhất là Đồng hồ thế hệ 4 của Apple (Apple Series 4 Watch) để theo dõi điện tâm đồ (ECG) đã được Cục quản lý thực phẩm & dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận.
Thiết bị tại nhà (In-home devices bao gồm cả Smarthome): Tương tự như thiết bị gắn trên cơ thể, các thiết bị y tế kết nối Internet và chẩn đoán thông minh có thể hỗ trợ các dịch vụ theo dõi sức khỏe từ xa cũng được sử dụng tại nhà cho bệnh nhân - chẳng hạn như thiết bị khám tại nhà TytoCare cho tai, họng, tim, phổi, bụng, da, nhịp tim và nhiệt độ.
Một ví dụ khác là Inui Health cung cấp xét nghiệm nước tiểu tại nhà bằng ứng dụng điện thoại thông minh để phân tích màu sắc, để kiểm tra thận và sức khỏe nói chung và bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Tất cả các thiết bị và cảm biến trên kết hợp với hệ thống nhà thông minh có thể cung cấp sự giám sát và chăm sóc tốt hơn cho cư dân, đặc biệt là trong chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.
Thiết bị trong phòng khám (In- Hospital devices): Các bác sĩ điều trị sử dụng các thiết bị lâm sàng thông minh, số hóa như ống nghe kỹ thuật số, công nghệ nhận diện tần số âm thanh RFID (Radio Frequency Identification), đèn hiệu hoặc định vị GPS để hỗ trợ bệnh. Công nghệ IoMT cho phép các bệnh viện sử dụng dữ liệu đã được xử lý để cung cấp dịch vụ hoặc thông tin có giá trị, điều không thể có hoặc chưa từng xảy ra – đó chính là định nghĩa về bệnh viện thông minh. Các thiết bị trong phòng khám cũng được nhắc đến với hệ thống quản lý bệnh viên thông minh với các chức năng quản lý hành chính, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử,…
Thiết bị ngoài cộng đồng (In-Community): gắn liền với phát triển các thành phố thông minh, chẳng hạn những chiếc xe thông minh có thể theo dõi sinh tồn của hành khách trong quá trình vận chuyển, và có thể hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp (di chuyển tự động đến cơ sở y tế gần nhất...). Hay gần đây nhất là thiết bị Distancer giúp cảnh báo khoảng cách an toàn trong đại dịch COVID-19 được phát triển bởi nhà sản xuất thiết bị điện tử Phytec của Đức7, các ứng dụng điện thoại thông minh truy vết nguồn tiếp xúc COVID-19 của các nhà sản xuất phần mềm smartphone hàng đầu là Google và Apple8.
Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ tại các nước phát triển và được các côngty phần mềm không ngừng phát triển. Đã có nhiều sản phẩm ứng dụng AI được giới thiệu trên thị trường, từ các ứng dụng giúp tự giữ gìn sức khoẻ cho đến các ứng dụng tại các cơ sở y tế trong chẩn đoán, ra quyết định, điều trị, cho đến các sản phẩm chăm sóc cuối đời, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Có thể nói ứng dụng của AI trong việc chăm sóc sức khỏe con người là ứng dụng có ý nghĩa thực tế nhất bởi nó liên quan mật thiết với sự sống của chúng ta. Các trường hợp sử dụng cho AI rất nhiều, bài viết này chúng tôi giới hạn trong ba khả năng sau:
Hỗ trợ chẩn đoán bệnh: Phân tích các cuộc kiểm tra, quét CT, nhập dữ liệu, và các nhiệm vụ khác có thể được thực hiện nhanh hơn và chính xác hơn bởi robot. Tim mạch và X quang là hai lĩnh vực mà số lượng dữ liệu phân tích vô cùng lớn và chiếm khá nhiều thời gian. Trong tương lai các chuyên gia về tim mạch hay X quang sẽ được giảm thiểu một lượng lớn công việc, họ chỉ cần tập trung vào các trường hợp phức tạp nhất khi mà robot có thể chưa đủ sự linh hoạt để giải quyết, sự giám sát và phân tích của con người thực sự hữu ích.
Chẩn đoán hình ảnh: Ngoài các ứng dụng phân tích hình ảnh nổi tiếng và tiên tiến nhất (ví dụ phát hiện khối u trong chụp CT), còn có một số ứng dụng khác trong quy trình chẩn đoán hình ảnh của AI. Theo các bước trong quy trình làm việc, từ việc ra y lệnh chẩn đoán hình ảnh của bác sĩ, đến việc thu nhận hình ảnh được chụp bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, lựa chọn hình ảnh do bác sĩ X quang xem xét, tới việc phân tích, diễn giải, ra quyết định các bước tiếp theo và báo cáo - tất cả đều có thể thực hiện bởi AI ở các hình thức khác nhau giúp giảm thiểu sự tham gia của y bác sỹ, đồng thời giúp phân bổ nhân lực y bác sỹ ở những trường hợp cần thiết hơn.
Ngoài ra còn có các ứng dụng tiền lâm sàng trong nghiên cứu sử dụng chẩn đoán hình ảnh như xác định chỉ số sinh học qua hình ảnh trong chụp X quang chẳng hạn. Trong những ngày gần đây, với tài trợ của Tập đoàn Vingroup, VinDr - phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán hình ảnh y tế đã được thử nghiệm, bước đầu với chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú đã được thử nghiệm9.
Các thiết bị và ứng dụng tiếp xúc với bệnh nhân: Khách hàng hoặc bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp các thiết bị y tế và sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe di động (mHealth) cũng được trang bị AI để theo dõi bệnh nhân một cách trực quan, bệnh nhân tự chăm sóc và được quản lý an toàn. Động lực đằng sau sự phát triển của lĩnh vực mHealth phát sinh từ hai yếu tố.
Yếu tố đầu tiên liên quan đến vô số khó khăn mà các hệ thống y tế của các quốc gia đang phát triển gánh phải. Những hạn chế này bao gồm gia tăng dân số cao, gánh nặng bệnh tật nhiều, lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe thấp, số lượng lớn người dân nông thôn và tài nguyên hạn chế để hỗ trợ cơ sở hạ tầng y tế và hệ thống thông tin y tế.
Yếu tố thứ hai là sự gia tăng nhanh chóng sự xâm nhập điện thoại di động ở các nước đang phát triển đến các phân khúc lớn của lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe, cũng như dân số của một quốc gia nói chung. Với quyền truy cập nhiều hơn vào điện thoại di động tới tất cả các phân đoạn của một quốc gia, bao gồm cả khu vực nông thôn, tiềm năng giảm chi phí giao dịch nhằm mang lại sự cải thiện về chăm sóc sức khỏe10
Blockchain Quy tắc mới đáng tin cậy cho quy trình chăm sóc y tế kỹ thuật số
Trong khi lĩnh vực chăm sóc y tế đang phải đấu tranh để tìm ra sự cân bằng giữa rủi ro và thành tựu của việc áp dụng công nghệ số, công nghệ Blockchain là một ứng dụng tiềm năng đưa ra giải pháp kịp thời để giảm thiểu một số rủi ro đó. Mặc dù Blockchain có khả năng tạo ra đột phá lớn trong quy trình số hóa chăm sóc y tế, nó vẫn có thế không phải là phương án toàn năng để giải quyết tất cả các thách thức của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Do đó, điều quan trọng đối với các giám đốc điều hành cấp cao của ngành y tế là phải hiểu và giải mã chu kỳ của công nghệ Blockchain và các ứng dụng chăm sóc sức khỏe của nó.
Bằng cách làm như vậy, chúng tôi tin rằng trong số các trường hợp áp dụng Blockchain được đề cập dưới đây cho thấy nhiều cơ hội thuyết phục hơn, mặc dù giữa các quốc gia và hệ thống y tế có các các mức độ áp dụng khác nhau:
Trao đổi dữ liệu sức khỏe và khả năng tương tác: Trong thập kỷ qua, nhu cầu gia tăng trong việc số hóa hồ sơ sức khỏe y tế là do các bác sĩ, bệnh viện và các thiết bị chăm sóc sức khỏe sinh ra, vì số hóa dữ liệu này cho phép dễ dàng truy cập và chia sẻ cũng là một cơ sở của việc ra quyết định tốt hơn và nhanh chóng. Tuy nhiên, Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs) chỉ được tạo ra tại mỗi nơi và tại thời điểm người bệnh sử dụng dịch vụ y tế, hoàn toàn không có sự kết nối để theo dõi tiền sử bệnh cũng như thông tin bệnh học nằm rải rác ở các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau11
Ngoài ra vấn đề về độ chính xác và sự tin tưởng để có thể chia sẻ thông tin giữa các cơ sở y tế khác nhau trong khi thông tin bệnh án của người bệnh cũng là tài sản cá nhân cũng là một vấn đề quan trọng để xây dựng mô hình quản lý dữ liệu sức khỏe tập trung. Với công nghệ Blockchain, những vấn đề này dường như được giải quyết một cách đầy đủ. Các Blockchain được thiết kế thành một hệ thống phi tập trung có khả năng ghi chép và bảo vệ các tệp tin thông qua việc sử dụng mật mã học (Cryptography).
Việc sửa đổi hay xâm nhập các dữ liệu trong các khối trở nên vô cùng khó khăn. Nhờ có tính bất biến này, cùng với các tính năng nổi trội khác của Blockchain. Người ta có thể tạo ra các cơ sở dữ liệu không thể sửa đổi để lưu trữ các thông tin y tế quan trọng. Ngoài ra, cấu trúc mạng ngang hàng Peer-to-Peer (P2P) còn cho phép các bản sao về dữ liệu bệnh nhân được đồng bộ hoàn toàn với nhau ngay cả khi có những bản cập nhật mới, bất chấp việc chúng được lưu trữ trên các máy tính khác nhau.
Các đặc tính độc đáo của công nghệ Blockchain cung cấp một quy trình bất biến và đáng tin cậy với "một nguồn sự thật duy nhất", để bảo đảm tính toàn vẹn về trao đổi dữ liệu sức khỏe, giảm thiểu các mối đe dọa an ninh mạng và tăng cường các ứng dụng quản trị dữ liệu y tế.
Sự gian lận, lãng phí và lạm dụng trong chăm sóc y tế: Ước tính khoảng 455 tỷ đô la chi tiêu y tế toàn cầu bị mất hàng năm do gian lận, lãng phí và lạm dụng12. Trong khi các quốc gia hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện thông qua việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế thì hành động gian lận bảo hiểm y tế và các vụ việc khiếu nại tiếp tục tạo ra mối quan ngại cho các công ty bảo hiểm trên toàn cầu.
Các hệ thống y tế trên nền tảng Blockchain có thể cung cấp các giải pháp thực tế để giảm thiểu thanh toán y tế có dấu hiệu gian lận. Bằng cách tự động hóa phần lớn các hoạt động xử lý khiếu nại và xử lý thanh toán, hệ thống Blockchain có thể giúp loại bỏ sự cần thiết của các đại lý trung gian và giảm chi phí hành chính và thời gian chờ đợi cho các nhà cung cấp và khách hàng.
Y học chính xác và nghiên cứu sức khỏe dân cư: Khái niệm y học chính xác hứa hẹn một sự thay đổi trong mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Mục đích là tích hợp dữ liệu sức khỏe được cá nhân hóa từ các nguồn trực tiếp (ví dụ chỉ số sinh học/chức năng sống) và các nguồn gián tiếp (ví dụ: môi trường/ngoại sinh), y học chính xác hướng đến đến sức khỏe và sự thịnh vượng của cá nhân.
Ngoài ra, hiện nay khung pháp lý và nguyên tắc đạo đức trong trao đổi dữ liệu y tế đã được xây dựng với các thế hệ thực hành nghiên cứu và lâm sàng rất khác nhau đã đặt ra một số yêu cầu chặt chẽ để trao đổi dữ liệu cá nhân hóa một cách liên tục với nghiên cứu về di truyền trên quần thể dân cư và các nghiên cứu nói chung.
Thêm vào đó, công nghệ Blockchain với cơ sở hạ tầng bảo mật ở khắp mọi nơi để trao đổi dữ liệu y tế liên tục hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự hợp tác chưa từng có giữa những người tham gia và các nhà nghiên cứu về sự đổi mới trong nghiên cứu y tế ví dụ như y học chính xác (hay y học cá nhân hóa) và quản lý sức khỏe dân cư. Hơn nữa, quy trình kỹ thuật số đáng tin cậy của công nghệ Blockchain sẽ thúc đẩy các nghiên cứu nói chung và các mô hình có lợi để chia sẻ dữ liệu và các mô hình nghiên cứu dựa vào cộng đồng.
Cuối cùng, để kết luận cho chủ đề đổi mới trong chăm sóc sức khỏe, xin trích dẫn lời nhà nhà nghiên cứu Harold Thimbleby - viết trên Tạp chí Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng năm 2013 - giải thích rằng "tương lai của chăm sóc sức khỏe là về bệnh nhân (hoặc ngăn chặn mọi người trở thành bệnh nhân), nhưng bệnh nhân không phải là các bên liên quan chính trong ngành chăm sóc sức khỏe".
"Các công ty bảo hiểm, dược phẩm, bác sĩ, nhà quản lý, nhà cung cấp, nhà xây dựng, chính phủ và nhiều lực lượng khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai," ông nói thêm. "Đổi mới sẽ giúp bệnh nhân hay sẽ chỉ là một phần để giúp theo dõi các bác sĩ lâm sàng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe"13
Tài liệu tham khảo
1. https://www.dictionary.com/browse/medicine
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Y_h%E1%BB%8Dc
3. https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/global/Documents/Life-Sciences- Health-Care/gx-lshc-medtech-iomt-brochure.pdf
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020
5. http://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-y-te-huong-toi-quoc-gia-so-464378. html
6. https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2018/01/25/why-the-internet-of-medical-things-iomt-will-start-to-transform-healthcare-in-2018/#bce86534a3ca
7. https://www.thvl.vn/thoi-su-quoc-te/the-gioi-quanh-ta/thiet-bi-giam-sat-nhac-nho-gian-cach-xa-hoi/
8. http://ictvietnam.vn/ung-dung-smartphone-co-the-giup-truy-vet-nguon-tiep-xuc-covid- 19-nhu-the-nao-20200415091814133.htm
9. https://tuoitre.vn/buoc-tien-moi-dua-tri-tue-nhan-tao-vao-chan-doan-hinh-anh-y-te-tai-viet-nam-20200626154509091.htm
10. http://richsvietnam.vn/tin-tuc/thanh-tuu-y-hoc/xay-dung-mo-hinh-kinh-doanh-he-thong-y-te-di-dong-mhealth
11. https://ehealth.gov.vn/?action=News&newsId=47880
12. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535646/
13. https://suckhoetoandan.vn/p/5d881bf2333085667f156f12
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)
Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Thanh Huyền