Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Tham dự buổi họp có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Trần Mạnh Tuấn, cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, CMC Telecom, FPT Telecom, Đông Dương Telecom…
Để chuẩn bị tốt nhất cho thời điểm chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định vào 0h ngày 11/2 tới, các doanh nghiệp viễn thông đã báo cáo cụ thể với Cục Viễn thông về các hoạt động chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, tổng đài tư vấn và công tác tuyên truyền thông tin tới khách hàng.
Về cơ bản, các doanh nghiệp đều đã thống nhất về cơ chế phối hợp và kết nối giữa các mạng viễn thông theo kế hoạch chuyển đổi mã vùng. Mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ cử đại diện tham gia vào một nhóm đặc trách do Cục Viễn thông chủ trì để duy trì phối hợp thường xuyên, nhất là vào thời điểm triển khai chuyển đổi mã vùng và rà soát sau khi chuyển đổi.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: “Việc quy hoạch và điều chỉnh kho số là một hoạt động bình thường ở các quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường viễn thông. Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng cân nhắc tất cả các yếu tố khác nhau, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận cao và trên cơ sở đó Bộ TT&TT đã ban hành quy hoạch về kho số viễn thông. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tích cực bắt tay vào việc chuẩn bị cho việc chuyển đổi mã vùng để quy hoạch lại kho số.”
"Để đảm bảo được quyền lợi của người sử dụng, phát huy được tốt nhất lợi ích của việc quy hoạch kho số viễn thông đem lại trong tương lai, đồng thời giảm thiểu tối đa những bất lợi ảnh hưởng đến khách hàng, chúng ta sẽ thực hiện việc chuyển đổi mã vùng một cách thận trọng nhất, chu đáo nhất có thể.”
“Qua báo cáo của các doanh nghiệp, tôi nhận thấy các đơn vị đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, chi tiết theo kế hoạch chuyển đổi mã vùng. Trong vài ngày còn lại trước thời điểm 0h ngày 11/2, tôi đề nghị các doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo điều phối của Cục Viễn thông, sẽ rà soát và đánh giá một lần cuối mức độ sẵn sàng của hệ thống kỹ thuật để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, sẵn sàng xử lý tất cả các tình huống phát sinh.”
“Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh lại rằng tất cả chúng ta cần xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, các đơn vị cần tiếp cận việc chuyển đổi này với trách nhiệm cao nhất, coi lợi ích của khách hàng là trên hết. Lợi ích của việc chuyển đổi mã vùng ở đây không chỉ là quyền lợi của khách hàng hay của riêng từng doanh nghiệp viễn thông, mà là lợi ích và trách nhiệm của cả ngành viễn thông đối với xã hội.”
Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông là trưởng ban chỉ đạo việc chuyển đổi mã vùng tham gia trực tiếp vào nhóm đặc trách để việc phối hợp thông tin giữa các mạng được thông suốt, kịp thời. Ngoài ra, các doanh nghiệp và Cục Viễn thông cũng cần thống nhất với nhau một kịch bản khung của quá trình phối hợp, kiểm tra tại thời điểm chuyển đổi mã vùng của từng giai đoạn.
“Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm tới phản ánh của khách hàng trong quá trình chuyển đổi mã vùng, bám sát đến những vấn đề quan tâm, lo lắng, thắc mắc để từ đó giải thích, tuyên truyền, chăm sóc khách hàng được hiệu quả nhất”. “Việc giải đáp những thắc mắc của khách hàng là rất quan trọng, và cần thống nhất giữa các doanh nghiệp về phương án trả lời, tư vấn. Cần tránh việc mỗi đơn vị trả lời khách hàng theo một kiểu khác nhau, khiến người tiêu dùng băn khoăn lo lắng”, Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý.
Quy hoạch kho số viễn thông để tăng tính hiệu quả
Theo Cục Viễn thông, hiện nay phần lớn kho số được sử dụng cho thuê bao điện thoại cố định, rất ít còn lại cho thuê bao di động, trong khi số thuê bao di động đang chiếm khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam. Như vậy, hiệu quả sử dụng kho số chưa cao. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.
Đại diện Cục Viễn thông nhận định, việc chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố dẫn đến mã vùng (vùng cước nội hạt của thuê bao cố định cùng một vùng nội hạt trong một tỉnh gọi cho nhau thì chỉ phải trả giá cước nội hạt thấp mà không phải trả cước liên tỉnh) số cố định không nhất quán, mã vùng có độ dài khác nhau. Ví dụ mã Hà Nội là 4, Thanh Hóa là 37, Nam Định là 350 (Nam Hà là 35, tách ra Hà Nam là 351, Nam Định là 350).
Thông thường trên thế giới, Thủ đô đông dân nên thường có mã tỉnh ngắn, còn lại các tỉnh bình thường có mã dài hơn 1 chữ số. Thực trạng hiện nay sớm hay muộn cũng phải đổi lại các mã vùng nội hạt để có một bảng mã vùng đồng nhất theo thông lệ quốc tế. Việc đổi lại mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao cố định vì đây không phải đổi số thuê bao, nhưng sẽ tạo ra một bảng mã số tốt và hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện giờ./.
|