Một xu hướng tất yếu
Thực hiện đúng thoả thuận khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam mở cửa thị trường viễn thông mang lại nhiều cơ hội cạnh tranh, phát triển cho các doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm thông minh xuất hiện song song với việc gia tăng các ứng dụng, tiện ích. Điện thoại di động ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, ngày nay, việc người dân không quá khó để sở hữu một thiết bị di động hiện đại, nhỏ gọn, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc mọi lúc mọi nơi, cũng là nguyên nhân để thị trường di động trở nên chiếm ưu thế hơn so với điện thoại cố định.
Năm 2009, Việt Nam có hơn 17 triệu thuê bao điện thoại cố định, con số này bị thu hẹp chỉ còn gần 10 triệu thuê bao trong năm 2012. Trong 3 năm thị trường giảm đi hơn 7 triệu thuê bao điện thoại cố định. Song thời gian này, thị trường viễn thông phát triển được hơn 40 triệu thuê bao di động. Nhiều chuyên gia nhận định, việc các thuê bao cố định rời mạng là quy luật tất yếu, bởi khi công nghệ ngày càng phát triển sẽ dẫn đến sự thanh lọc và thay mới các dịch vụ.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong buổi làm việc với viễn thông thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng: việc điện thoại cố định giảm sút là một xu hướng tất yếu, và sau này doanh thu dịch vụ điện thoại di động cũng sẽ giảm, do bị ảnh hưởng từ các phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí như Viber, Kakao Talk hay Zalo…
Và việc các mạng viễn thông cần làm hiện nay là phát triển các dịch vụ data khác trên nền hạ tầng mạng cố định, bởi 70% dung lượng dữ liệu hiện nay đều đang chạy trên mạng cố định, cũng như đầu tư nâng cấp hệ thống mạng để đảm bảo mạng lưới phát triển tốt, nhằm đón đầu phát triển các dịch vụ mới một cách tốt hơn, đặc biệt là nâng cao được chất lượng dịch vụ.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại cố định vẫn đang nỗ lực đưa ra những chiến lược phát triển điện thoại cố định tới người dân. Và người dân được xem như một nhân tố quyết định sự tồn tại hay biến mất của điện thoại cố định. Nó sẽ vẫn còn trong gia đình, văn phòng cho đến khi nào người ta không còn muốn sử dụng nó nữa.
Tổng doanh thu dịch vụ cố định vẫn tăng
Từ năm 2009 đến 2012, ước tính tổng doanh thu dịch vụ điện thoại cố định tăng hơn 100 triệu USD. Con số này phần nào nói lên những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc phát triển các dịch vụ tiện ích của điện thoại cố định, dịch vụ thay thế trên nền hạ tầng mạng cố định... đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng cao cho người sử dụng.
Trong quý I/2013, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết: mặc dù thuê bao di động tiếp tục tăng cao nhưng tốc độ giảm thuê bao điện thoại cố định đã thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Tốc độ giảm thuê bao điện thoại cố định của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2013, khoảng 6% so với năm 2012 (giai đoạn 2009 – 2012 có thời điểm thuê bao điện thoại cố định có tốc độ giảm từ 20-30%).
Hiện, bên cạnh việc bổ sung thêm các tiện ích cho thuê bao cố định: chuyển tiếp cuộc gọi tạm thời, dịch vụ hiển thị số gọi đến, dịch vụ điện thoại hội nghị, dịch vụ hạn chế đường dài… Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã đưa ra nhiều dịch vụ thay thế khác như ADSL hay My TV… chạy trên đường dây cố định khai thác hiệu quả mạng lưới hạ tầng và bù đắp sự sụt giảm số lượng thuê bao dịch vụ điện thoại cố định. Sự phát triển mạnh mẽ của đường truyền kết nối băng rộng như ADSL hay FTTx (đường truyền cáp quang) có tốc độ kết nối lên đến vài trăm Gbps, mạnh hơn nhiều lần kết nối không dây (vốn chỉ có thể đạt vài Mbps) hiện cũng đang là yếu tố thuận lợi để điện thoại cố định khẳng định lại vai trò của mình.
Từ năm 2011, Viettel là doanh nghiệp tiên phong thực hiện chính sách miễn toàn bộ cước thuê bao khi sử dụng dịch vụ HomePhone nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Bên cạnh đó, chính sách giảm hơn 40% cước gọi di động từ dịch vụ HomePhone của Viettel sẽ giúp các khách hàng tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho việc liên lạc. Điện thoại cố định không dây HomePhone được cung cấp dựa trên hạ tầng của mạng di động Viettel. Vùng phủ sóng rộng khắp đến tận thôn, bản kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Nói về vấn đề này, ông Hoàng Sơn- Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Mục tiêu xuyên suốt của Viettel là thúc đẩy việc phổ cập các dịch vụ viễn thông đến mọi người dân Việt Nam. Chính vì thế, Viettel quyết định xây dựng gói cước HomePhone 60 với mức cước gọi di động thấp để người tiêu dùng có thể sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng gói cước này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng và tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tại địa phương”.