CMMi (Capability Muturity Intergration Model - Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp) là chuẩn đánh giá về mức độ thuần thục trong quy trình sản xuất phần mềm của Mỹ do Viện Công nghiệp phần mềm (Software Engineering Institute - SEI) phát triển và hiện được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số, việc áp dụng chuẩn CMMi không chỉ góp phần chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản lý chất lượng của các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Việc sở hữu một chứng chỉ được quốc tế công nhận như CMMi sẽ giúp cho doanh nghiệp có được giấy thông hành bước vào thị trường phần mềm thế giới, từ đó nâng cao cơ hội kinh doanh và tiếp nhận đầu tư quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, số lượng học viên Việt Nam đăng ký thi lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi của Viện Công nghiệp phần mềm Mỹ SEI năm 2011 đã tăng gấp đôi năm 2010. Và các Khóa đào tạo về quy trình công nghệ sản xuất phần mềm theo mô hình CMMi nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” năm nay không chỉ bó hẹp với học viên của các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số như năm ngoái mà các ngành khác như ngân hàng hay cơ quan cấp bộ như Bộ Công thương cũng gửi học viên tham gia. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp và các tổ chức tại Việt Nam ngày càng coi trọng chuẩn CMMi. Hiện nay một số tổ chức cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” và tham gia các khóa đào tạo về quy trình sản xuất phần mềm theo chuẩn CMMi, tuy nhiên, rất tiếc là dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” chỉ dành riêng hỗ trợ doanh nghiệp.
Qua hơn 1 năm triển khai dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi”, phía Bộ TT&TT đã nhận được kiến nghị của doanh nghiệp về hai vấn đề khó khăn khi tham gia dự án. Thứ nhất là để doanh nghiệp đạt đủ các điều kiện tham gia dự án thì doanh nghiệp phải có số lượng dự án CNTT đạt yêu cầu đề ra và thứ hai là phải chịu 1/2 chi phí, Nhà nước chỉ hỗ trợ 1/2 . Với những doanh nghiệp nhỏ, khoản chi phí này khá lớn. Hiện nay, Bộ TT&TT đã tháo gỡ phần khó khăn về số lượng dự án cho doanh nghiệp bằng việc xem xét chấp nhận các dự án trong nước thay vì chỉ tính các dự án cho nước ngoài như trước đây.
Hai khó khăn này cũng là lý do chính dẫn đến số lượng doanh nghiệp tham gia Dự án không nhiều. Tính từ năm 2010 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông mới triển khai hỗ trợ được cho 16 doanh nghiệp phần mềm áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi và dự kiến thêm 14 doanh nghiệp nữa trong năm 2011.
Theo thống kê vào tháng 6/2010, cả nước có khoảng 1.000 DN phần mềm nhưng chỉ hơn 10 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi và có khoảng 30 doanh nghiệp tuyên bố xây dựng quy trình theo chuẩn CMMi. Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ TT&TT làm chủ đầu tư dự kiến được triển khai trong vòng ba năm (từ 2010 đến 2012) với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng, lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi từ mức 3 trở lên. Theo dự án này, mỗi doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ khoảng 25.000 USD. Dự kiến trong cả giai đoạn 2010 – 2012 sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ Chính phủ trong việc triển khai quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi.