Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị về phía Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải; các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và lãnh đạo 36 Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã thông tin chuyên đề “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Báo cáo chuyên đề của Thứ trưởng đã khái quát những vấn đề căn bản của chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. CĐS không phải chỉ là vấn đề công nghệ mà vấn đề quan trọng nhất là thay đổi nhận thức và thói quen; Tóm lại, CĐS là thay đổi bản chất: chuyển mọi hoạt động trên môi trường thực lên môi trường số.
Mục tiêu CĐS quốc gia bao gồm 03 trụ cột chính: Chính phủ số (CPS), kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS). Thứ trưởng đã ngắn gọn phân tích sự khác nhau giữa Chính phủ điện tử (CPĐT) và Chính phủ số. CPĐT là Chính phủ 4 “không”: Xử lý văn bản không giấy; Họp không gặp mặt; Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; Thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt.
Còn đối với CPS là chính phủ điện tử + 4 “có” gồm: Có toàn bộ hoạt động trên môi trường số; Có khả năng cung cấp dịch vụ mới; Có khả năng hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu; Có khả năng giải quyết các bài toán khó (y tế, giáo dục...).
Đến năm 2025, Chính quyền số tạo ra giá trị mới ~ 1% GDP; kinh tế số đóng góp ~ 20% GDP; xã hội số tạo ra giá trị mới ~ 3% GDP; về kinh tế số - xã hội số (KTS-XHS) bao gồm: Kinh tế số ICT/VT (Make in Vietnam); Kinh tế số nền tảng (Nền tảng số quốc gia, Nền tảng số ngành); Kinh tế số ngành có 6 ngành, lĩnh vực ưu tiên (KTS-XHS Nông nghiệp, Nông thôn; KTS-XHS Y tế; KTS-XHS Giáo dục và đào tạo; KTS-XHS Lao động, việc làm và an sinh xã hội; KTS-XHS Du lịch; KTS-XHS Công nghiệp và Thương mại). Về xã hội số và vấn đề đào tạo nhân lực, coi trọng phát triển Đại học số theo phương thức: Đào tạo từ xa; Doanh nghiệp tham gia giảng dạy; Đào tạo theo yêu cầu thực tiễn công việc; Mô hình vừa học vừa làm…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: CĐS là sự nghiệp Quốc gia; các doanh nghiệp nhà nước hãy nhận lấy sứ mệnh quốc gia, đi đầu trong công cuộc CĐS; Gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, coi sứ mệnh quốc gia là sứ mệnh của mình; Chủ động đưa ra lời giải cho các bài toán của xã hội, nỗi đau của xã hội, nhu cầu của xã hội… Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước cần chủ động đưa ra bài toán của mình, nỗi đau của mình, nhu cầu của mình. Khi có bài toán, có nỗi đau, có nhu cầu, sẽ có công nghệ đáp ứng
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp trao đổi, trả lời câu hỏi, giải thích rõ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình CĐS của Đảng ủy Khối và lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang có cơ hội rất lớn trong việc CĐS và nếu doanh nghiệp nào không thay đổi thì sẽ tụt hậu, và CĐS có thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu. Doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đứng bên “bờ vực thẳm” thì sẽ có sự sáng tạo, bứt phá vươn lên mạnh mẽ. “Khó khăn chính là động lực của sự thay đổi chứ không phải chính sách. Hoặc những doanh nghiệp nào kém nhất về CĐS thì lại có cơ hội lớn nhất để thực hiện thành công CĐS. Các doanh nghiệp nhà nước cũng như các cơ quan hành chính cần có một niềm tin là có việc sẽ có người. Có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại sẽ có người vĩ đại”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải phát biểu tại Hội nghị
“Thế giới bây giờ phẳng, nếu doanh nghiệp có những việc vĩ đại thì sẽ tạo cảm hứng cho người tài, sẽ thu hút được nhân tài tìm đến. Doanh nghiệp nào tạo ra nhiều dữ liệu nhất thì doanh nghiệp đó sẽ tập hợp được nhiều người giỏi nhất về phân tích dữ liệu... Người giỏi trước tiên bao giờ cũng tìm đến những ngọn cờ cao, người đứng đầu phải có khát khao lớn, sau đó mới là thu nhập và cuối cùng là minh chủ...Trong CĐS thì tài nguyên lớn nhất chính là dữ liệu. Dữ liệu là tài nguyên không biến mất, có càng nhiều và nhiều người dùng sẽ càng gia tăng giá trị. Chuyện tạo ra giá trị cho đất nước sẽ rất phụ thuộc vào câu chuyện dữ liệu này”, Bộ trưởng lưu ý.
Cùng với việc thẳng thắn trao đổi, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp nhà nước trong vấn đề CĐS doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng gợi ý, nêu ra những giải pháp để các doanh nghiệp nhà nước chủ động, tự tin đi đầu, dẫn dắt công cuộc CĐS Quốc gia và thực hiện các Chiến lược quốc gia trước yêu cầu mới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng thông tin chuyên đề “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Bộ TT&TT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp nhà nước trong công cuộc CĐS, giống như Bộ đã nhận việc khó, “chia lửa” cho Bộ Y tế trong việc sử dụng nền tảng trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt, và doanh nghiệp nhà nước sinh ra để thực hiện các Chiến lược quốc gia. Đặc biệt, CĐS Quốc gia thì doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu, nhận lấy sứ mệnh quốc gia, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Long Hải trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã dành thời gian “truyền lửa và truyền cảm hứng” cho lãnh đạo Đảng ủy Khối và các doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vấn đề, phương thức triển khai công cuộc chuyển đổi số tại doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nhà nước thêm tự tin, triển khai thành công chuyển đổi số trong thời gian tới./.