Từ mục tiêu lọt top 30 nước dẫn đầu về chỉ số an ninh mạng vào năm 2030
Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu (Global Cybersecurity Index - gọi tắt là GCI) năm 2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá, đứng thứ 5/11 trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực này.
Trong khi đó, theo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI) do ITU đánh giá và có tên trong nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số này vào năm 2030. Đề án cũng chỉ rõ bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.
Như vậy, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần tăng tối thiểu là 20 bậc trong vòng 5 năm. Đây là một mục tiêu nhiều thách thức. Có lẽ, chính vì vậy mà trong năm 2020, Bộ TT&TT đã sớm xây dựng kế hoạch để sớm đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI) do ITU đánh giá.
Cụ thể, trong năm 2020, Cục ATTT - Bộ TT&TT đã ban hành Nghị định về phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo gửi qua tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi.
Cục ATTT chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì của các Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc thực hiện các nhiệm vụ: Đưa ATTT vào chương trình giảng dạy tại các cấp phổ thông; Tổ chức những chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hướng tới các đối tượng khác nhau theo tiêu chí của ITU; Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho an toàn thông tin.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, Cục ATTT chủ trì nhiều nhiệm vụ như: Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thành lập đội ứng cứu sự cố theo từng lĩnh vực (sectoral CERT), tổ chức diễn tập theo từng ngành, lĩnh vực và khuyến khích các đội ứng cứu sự cố tham gia các tổ chức CERT khu vực, quốc tế như APCERT, FIRST; Một nhiệm vụ thường xuyên quan trọng nữa Cục ATTT được giao chủ trì là xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm ATTT mạng Việt Nam.
Khẳng định sức mạnh công nghệ từ các sản phẩm ATTT "Make in Viet Nam"
Năm 2020, Bộ TT&TT cũng đã đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) thúc đẩy phát triển nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC), đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin; góp phần triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình "4 lớp" thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Không chỉ vậy, các DN Việt còn đẩy mạnh đầu tư những giải pháp, công nghệ tiên tiến, tiến tới làm chủ và hình thành hệ sinh thái các sản phẩm ATTT "Make in Vietnam".
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, việc ra mắt "Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin" giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình "04 lớp", cung cấp thông tin để các bộ, ngành, địa phương và các chủ quản hệ thống thông tin có định hướng trong lựa chọn, triển khai thuê mua dịch vụ giám sát, bảo vệ an toàn, an ninh mạng chuyên nghiệp và bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc ra mắt nền tảng SOC cũng một lần nữa đánh dấu sự vào cuộc của các DN công nghệ Việt khi mà có tới 8 DN Việt Nam đã đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của Bộ TT&TT gồm: Công ty An ninh mạng Viettel; Trung tâm An toàn thông tin VNPT; Trung tâm An ninh mạng, Tập đoàn công nghệ BKAV; Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS); Công ty CMC Cyber Security; Công ty Cổ phần an toàn thông tin CyRadar (CyRadar); Công ty cổ phần công nghệ Giải pháp quốc tế VNCS Global; và Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS.
Tại buổi lễ ra mắt, đại diện từ các Sở TT&TT và đại diện Cục ATTT cũng như các DN ATTT đã có nhiều trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến SOC. Khi được hỏi về những ưu việt của sản phẩm ATTT Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài, các DN đều chia sẻ rằng, khi gặp sự cố, nếu liên hệ với bộ phận hỗ trợ của các hãng bảo mật nước ngoài thì phải chờ tối thiểu 8 giờ đồng hồ. Còn đối với sản phẩm Việt Nam, sự hỗ trợ là ngay lập tức và 24/7. Đây là một ưu điểm lớn. Ngoài ra, sản phẩm ATTT Việt Nam nếu cần điều chỉnh có thể đáp ứng được dễ dàng hơn trong khi các sản phẩm của nước ngoài bán trên toàn cầu sẽ có một số trở ngại.