Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh tại Lễ công bố và Vinh danh TOP 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 9/10.
Được phát động từ ngày 7/4/2021, sau hơn 1,5 tháng phát động, chương trình đã nhận được 194 đề cử trong 18 lĩnh vực từ 167 doanh nghiệp. Theo đó, Hội đồng đánh giá đã nhất trí lựa chọn 104 đề cử từ 76 doanh nghiệp, tổ chức xứng đáng vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021 tại 16 lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại Lễ công bố và Vinh danh TOP 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021 |
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về phát triển công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam, điển hình là Chỉ thị 01/CT-TTG về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
“Các văn bản này thể hiện chủ trương “Make in Vietnam” của Chính phủ góp phần xây dựng một quốc gia số, một Việt Nam hùng cường. Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới” - Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Đức Long, đại dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và làm việc của toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đợt dịch từ tháng 4 năm 2021 đến nay đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho mọi hoạt động của người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã kiên cường vươn lên trong đại dịch.
"Nhiều doanh nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, thậm chí có doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng lên đến trên 300%" - Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin, đồng thời dẫn chứng, 76 doanh nghiệp công nghệ thông tin được vinh danh TOP 10 năm nay có tổng doanh thu đạt 186.694 tỉ đồng, tương đương 8.054 tỉ USD, chiếm hơn 60,74 % doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong năm 2020.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong công cuộc chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công tác phòng - chống đại dịch Covid-19 thông qua việc nhanh chóng xây dựng và triển khai nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đóng góp hơn 1.600 tỉ đồng vào Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ, hưởng ứng tích cực chương trình “Sóng và Máy tính cho em”…
Đưa công nghệ thông tin Việt Nam vươn tầm thế giới
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình “TOP 10 Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam” của VINASA, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, chương trình đã khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam luôn đổi mới sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, làm ra những sản phẩm công nghệ cao “Make in Vietnam”, giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, ghi danh trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.
Trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng phê duyệt, đặt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có 10 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD.Chương trình đã lựa chọn được những doanh nghiệp số xuất sắc của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin, thúc đẩy kết nối, hợp tác trong và ngoài nước, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam liên tục phát triển và ngày càng mạnh mẽ, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Chiến lược sẽ có nhiều chính sách, nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển trong trạng thái bình thường mới. “Bộ Thông tin và Truyền thông mong rằng TOP 10 doanh nghiệp công nghệ công nghệ thông tin Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng thực hiện sứ mệnh hiện đại hóa, thông minh hóa Việt Nam trở thành một quốc gia số, phát triển nhanh, bền vững, có thu nhập cao vào năm 2045” - Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA nhận định, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư khốc liệt này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn xã hội và tác động nặng nề lên nền kinh tế. Tuy nhiên cũng là động lực để các ngành, các lĩnh vực có sự chuyển mình, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội, là địa hạt lớn để các doanh nghiệp ICT Việt Nam khai phá và phụng sự đất nước.
Là doanh nghiệp đạt giải thưởng TOP 10 Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021, ở hạng mục TOP 10 Doanh nghiệp Xuất khẩu phần mềm, ông Nguyễn Viết Lâm - Phó Tổng Giám Đốc Rikkeisoft chia sẻ, đại dịch Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với ngành công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nếu linh hoạt thích ứng, biết nắm bắt cơ hội về sự chuyển dịch xu hướng từ đại dịch sẽ có được lợi thế, giữ được đà tăng trưởng, thậm chí còn phát triển tốt.
“Đây là lần thứ tám liên tiếp Rikkeisoft đạt giải thưởng quan trọng này, khẳng định vị thế vững chắc trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, từ đó mở rộng phát triển, gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực công nghệ khác” - ông Nguyễn Viết Lâm cho biết, đồng thời nêu, việc nhận được giải thưởng là động lực to lớn để Rikkeisoft tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống, song song với đó là không ngừng mở rộng mạng lưới dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa tên tuổi và đội ngũ kỹ sư Việt Nam vươn tầm thế giới.