Chiều ngày 16/2/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dự buổi gặp gỡ thường niên Xuân Quý Mão của giới CNTT-TT Việt Nam với sự góp mặt của 19 hội, hiệp hội, câu lạc bộ với chủ đề "Trọng tâm: Xây dựng dữ liệu số quốc gia".
Bộ TT&TT cầm nhịp năm dữ liệu số 2023
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Năm 2023 là năm về dữ liệu số. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối và chia sẻ, an toàn dữ liệu, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia, là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt quan trọng nhất của chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện
Kế hoạch năm dữ liệu số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số ban hành ngay trong quý I năm nay. Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các kế hoạch hành động, tập trung vào các sáng kiến về dữ liệu, hướng tới tạo ra giá trị về dữ liệu, đặc biệt tạo ra nhận thức đúng về dữ liệu.
Bộ TT&TT mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mang công nghệ số Việt Nam “đi mở cõi”
Tư lệnh ngành TT&TT cho biết, năm 2023, sau 3 năm COVID-19, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng. Năm nay, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. “Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Bộ trưởng chỉ ra những lợi thế của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiến ra thị trường toàn cầu. Thị trường CNTT, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội, chi phí cho CNTT, chuyển đổi số thì không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. Chính sự cạnh tranh ấy mà chúng ta có khả năng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ. Đây là năng lực cạnh tranh chính của chúng ta để có thể đi ra nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo lão thành trong ngành CNTT - TT
Quan trọng hơn, đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc. Có năng lực cạnh tranh quốc tế, chúng ta mới tồn tại lâu dài ở thị trường trong nước.
Dùng công nghệ số giải quyết bài toán nhỏ - cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng đang phát triển với tốc độ chưa từng có, thay đổi cách xã hội vận hành, cách doanh nghiệp hoạt động theo một cách chưa từng có trước đây. Các công ty công nghệ lớn trên thế giới với lợi thế về nguồn lực, quy mô thị trường đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, có nhu cầu phổ quát, tập trung vào các thị trường hàng tỷ người dùng.
ChatGPT với khả năng trả lời các thể loại câu hỏi của con người vì thế chỉ đạt mức trung bình khá. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi dữ liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hóa, phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường cũng rất phong phú và không hề nhỏ, Bộ trưởng khuyến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gặp gỡ các đại biểu tại sự kiện
Hãy thử tưởng tượng mỗi công chức Việt Nam trong mọi lĩnh vực đều có một trợ lý ảo ở mức chuyên gia thì nhà nước Việt Nam sẽ thay đổi lớn đến mức nào, đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ đến mức nào. Bài toán nhỏ thì vô hạn, vì thế thị trường cũng vô hạn, có chỗ đứng cho rất nhiều người. Các doanh nghiệp công nghệ số hãy tìm lấy cơ hội ở đây.
Đi con đường Việt Nam dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam
Gợi ý định hướng phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, các doanh nghiệp hãy tìm ra đường đi riêng cho mình, thay vì tầm nhìn trở thành unicorn tỷ USD, hãy phát triển các công ty startup có giá trị trăm triệu USD nhưng xuất sắc trong lĩnh vực của mình, sản phẩm và thị trường số 1 thế giới. Nếu chúng ta có nhiều công ty công nghệ số xuất sắc, có giá trị, giá trị có thể chỉ trăm triệu USD thì chúng ta sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu. “Làm gì cũng nên Việt Nam hóa, đi con đường Việt Nam, dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam để không ai có thể bắt chước mình”, Bộ trưởng gợi ý.
Công nghệ số, nhân tài số, chuyển đổi số tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam
Về tầm nhìn trong 10 năm tới, theo Bộ trưởng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công lắp ráp sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; từ báo chí sang truyền thông số. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới số, sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.
Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường, thịnh vượng chính là khát vọng và công nghệ. Báo chí, xuất bản và truyền thông thổi khát vọng hóa rồng, hóa hổ ngấm vào từng người Việt Nam. Công nghệ số, nhân tài số, chuyển đổi số tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội, câu lạc bộ lĩnh vực CNTT-TT bên lề sự kiện
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể những người hoạt động trong ngành CNTT-TT Việt Nam. Bộ trưởng tin tưởng trong năm mới, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ nghĩ ra không gian mới, nguồn lực mới, cách tiếp cận mới để việc khó, việc không tưởng trở thành việc khả thi, để dữ liệu thành đất đai và canh tác trên đó tạo ra giá trị, từ đó chinh phục thế giới thành công bằng cách tiếp cận Việt Nam.
Bộ trưởng kêu gọi toàn ngành TT&TT, Bộ, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cùng nhau hướng tới xây dựng một Việt Nam tự lực tự cường, thịnh vượng trên không gian mạng và bảo vệ được sự thịnh vượng đó trên không gian mạng./.