Đoàn kết bảo vệ luật pháp quốc tế
Đầu tuần này, chia sẻ với truyền thông quốc tế về kết quả chuyến thăm Brunei, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, ông đã hội đàm với Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah, trong đó đề cập tới vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Malaysia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và kết luận sơ bộ về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo Thủ tướng Malaysia, cần tiếp tục quản lý hài hòa, hợp lý các vấn đề trên Biển Đông thông qua đối thoại, đàm phán, sử dụng các diễn đàn, kênh ngoại giao phù hợp, dựa trên việc tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế.
Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài 80 phút với một trong những trọng tâm chính là cùng nhất trí tăng cường hợp tác với quyết tâm cao trong việc đẩy lùi các nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tổng thống Mỹ đánh giá, sự hợp tác của Mỹ và Nhật Bản đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực để củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như trên toàn thế giới. Sau cuộc hội đàm, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ và Nhật Bản với tư cách là cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tăng cường đoàn kết nhằm duy trì và nâng cao các cam kết đối với khu vực. Trong nhiều năm qua, Mỹ luôn duy trì lập trường bác bỏ các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Lập trường của Mỹ là sẽ luôn sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do trên biển.
Trong một tuyên bố vừa được ban hành, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ, đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia cùng chung ý chí như Australia, Ấn Độ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước châu Âu để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cùng chung quan điểm này, Ấn Độ và nhiều cường quốc cũng liên tục nhấn mạnh về việc phải đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, những ngày qua, cộng đồng quốc tế tiếp tục chỉ trích các hành động làm căng thẳng trên Biển Đông.
Theo bình luận của giới chuyên gia quốc tế, một trong những thách thức hàng đầu trên Biển Đông hiện nay là sự xuất hiện ngày càng nhiều các động thái tiêu cực có thể làm suy yếu hiệu lực quản trị quốc tế và cấu trúc liên minh trong khu vực. Điều này đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích của nhiều quốc gia phương Tây, cũng như chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực quanh Biển Đông.
Trọng tâm của trật tự dựa trên luật lệ
Giáo sư Michael Heazle thuộc trường Đại học Griffith (Australia) đánh giá, kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra Phán quyết Biển Đông vào năm 2016, đến nay, trật tự hàng hải quốc tế ở khu vực vẫn gặp khó khăn. Nổi cộm nhất là các hoạt động xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được công nhận của hầu hết các quốc gia ven Biển Đông.
Theo Giáo sư Michael Heazle, trật tự hàng hải của khu vực theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là trọng tâm của trật tự dựa trên luật lệ được nhiều quốc gia chung ý chí. Trong đó, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia cùng chung ý chí xác định điều này là yếu tố chủ chốt về an ninh và sự thịnh vượng của khu vực. Hàng chục năm qua, Mỹ đã khẳng định rằng các điều khoản của UNCLOS liên quan đến việc sử dụng đại dương truyền thống, phản ánh thông lệ quốc tế có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Vì vậy, giới chuyên gia nhận định, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ những lợi ích của Mỹ bằng cách tuân thủ rộng rãi luật biển quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS.
Theo giới quan sát Biển Đông, Nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) hiện nay được xem như một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhóm Bộ tứ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia ở Biển Đông nâng cao năng lực pháp lý, quản lý tốt hơn các mối đe dọa an ninh trên biển, đồng thời đề cao vai trò của UNCLOS, cũng như đẩy lùi mọi hành động làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, các quốc gia cần thúc đẩy các nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích của tất cả các nước ven Biển Đông được quy định bởi UNCLOS, đặc biệt là cần tăng cường mạnh mẽ sự đoàn kết để thực thi pháp luật hàng hải. Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy các hành động đa phương trong việc duy trì quản trị hàng hải ở Biển Đông nhằm đối phó hiệu quả hơn trước các động thái tiêu cực, coi thường luật pháp quốc tế. Đặc biệt là cần gia tăng đoàn kết để cùng tìm cách tiếp cận sáng tạo, xây dựng khả năng răn đe mạnh mẽ để tối ưu hiệu lực, hiệu quả.