Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã cho phép mọi người và các DN chia sẻ nhiều thông tin hơn, và đó chính là tài nguyên có thể được sử dụng để lan truyền tin tức giả mạo hoặc những thông tin sai lệch.
Trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, một báo cáo sai có thể nhanh chóng hạ thấp giá trị của cổ phiếu; một thông tin tức giả và thông tin sai lệch, dễ gây hiểu lầm có thể khiến các công ty, DN trong các lĩnh vực cạnh tranh phải thay đổi kế hoạch, thay đổi lộ trình và thay đổi ngày phát hành sản phẩm của họ, đồng thời cũng có thể làm mất khách hàng hoặc có tác động lớn đến tài chính.
Chẳng hạn như, trường hợp của James Alan Craig - một thương nhân 62 tuổi người Scotland, cho thấy việc thao túng cổ phiếu có thể dễ dàng như thế nào. Người này đã tạo các tài khoản Twitter trông giống như tài khoản Twitter của các công ty nghiên cứu chứng khoán nổi tiếng, sau đó đăng những báo cáo sai sự thật về hai công ty khiến giá cổ phiếu của họ giảm mạnh và khiến họ phải ngừng giao dịch. Sau khi thực hiện các tweet gian lận, Craig đã thực hiện các giao dịch nhằm mục đích lợi dụng biến động giá cổ phiếu để thu lợi nhuận.
Hay như với trường hợp của Ligand, một công ty dược phẩm có trụ sở tại San Diego, đã từng mất 1/3 giá trị cổ phiếu, nhưng sự sụt giảm giá cổ phiếu này không phải là kết quả của các vấn đề về quản lý hoặc hiệu suất kém mà họ là nạn nhân của một chiến dịch thông tin sai lệch rằng công ty đang trên bờ vực phá sản.
Trong khi đó, các trường hợp phát tán thông tin sai lệch và tin tức giả khác cho mục đích thao túng công ty, khách hàng, nhà đầu tư và cổ đông cũng đang cho thấy ngày càng trở nên phổ biến.
Việc cố tình phát tán thông tin sai lệch giờ đây đã nổi lên như một mối nguy hiểm rõ ràng đối với mọi DN. Không có công ty nào có thể đảm bảo rằng mình sẽ không là nạn nhân của những thông tin sai, thông gin giả.
Thông tin sai lệch có thể tác động đến các công ty, DN với tốc độ, phạm vi ảnh hưởng như các cuộc tấn công bằng ransomware, khiến nhiều nhà lãnh đạo DN tự hỏi làm thế nào mà rủi ro này lại hiện thực hóa nhanh chóng như vậy. Và khi mối đe dọa đối với các công ty ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo cũng nhận thức rõ rằng những tác động của thông tin sai lệch đối với công ty hoặc tổ chức có thể tương ứng với các cuộc tấn công mạng khác.
Trên thực tế, một câu chuyện sai có thể lan truyền trên mạng với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với một câu chuyện có thật.
Theo một cuộc khảo sát từ công ty dữ liệu người tiêu dùng Statista, gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ đã chia sẻ tin tức trực tuyến mà sau đó họ phát hiện ra là thông tin bịa đặt. Đáng ngạc nhiên hơn, cứ 10 người thì có một người công khai thừa nhận cố tình chia sẻ thông tin mà họ biết là sai sự thật.
Nói cách khác, mạng xã hội đã nổi lên như một phương tiện truyền bá thông tin sai lệch, tạo ra một "cơn đại dịch" đang bùng phát và không có dấu hiệu giảm.
Do đó, điều quan trọng đối với các DN và người dùng là phải biết cách đánh giá độ chính xác của thông tin trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc ngăn ngừa và phòng, chống thông tin sai lệch, tin giả, tin dễ gây hiểu lầm cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.
Vậy, làm sao để các DN, người dùng có có thể đánh giá chính xác hoặc kiểm tra tính xác thực của những thông tin trên mạng xã hội một cách hiệu quả?
Xác định tin giả, thông tin sai lệch trên mạng xã hội
Mới đây, TechRepublic, ấn phẩm trực tuyến dành cho các chuyên gia CNTT, đã đưa ra một số khuyến nghị về các phương pháp và công cụ tốt nhất để xác định các thông tin sai lệch trên mạng xã hội và giúp bảo vệ các cá nhân, DN khỏi những thông tin bất lợi trên mạng xã hội.
Bắt đầu với những thông tin cơ bản
Theo TechRepublic, khi đánh giá tính xác thực và độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội, DN, cá nhân nên đặt ra một số câu hỏi cơ bản.
Thứ nhất, nguồn của thông tin. Nguồn thông tin đó có phải là một kênh truyền thông có độ tin cậy cao, một nhà báo có uy tín, một chuyên gia nổi tiếng không? Nguồn thông tin là một cá nhân có thể xác định được hay là một người đăng ẩn danh? Thông tin đến từ một tài khoản đã được tạo trong nhiều năm, vài tháng hay chỉ một vài ngày? Nội dung có ở dạng nguyên bản hay là một bản tóm tắt?...
Thứ hai, bối cảnh của thông tin. Ngày xuất bản có chính xác không? Thông tin được xuất bản trên một trang web được đánh giá cao hay một trang web được kiểm duyệt kém, ít người biết đến. Nếu thông tin liên quan đến một sự kiện, thì sự kiện đó có thật, có thể xác minh được nó đã xảy ra hay không?
Thứ ba, động lực đằng sau thông tin là gì? Tại sao thông tin lại được tung ra. Nếu động cơ đằng sau một bài đăng không rõ ràng, đó có thể là một ý đồ nhằm truyền bá tin giả, tin sai sự thật. Nó cũng có thể là một nỗ lực để thu hút càng nhiều người xem càng tốt, vì mục đích tài chính (ví dụ: quảng cáo có trả tiền)…
Sử dụng các công cụ để xác minh thông tin
Hiện nay, trên môi trường Internet có rất nhiều công cụ tìm kiếm, công cụ chuyên dụng để xác minh thông tin, có thể cho biết một thông tin là sai hoặc giả mạo, chẳng hạn như Công cụ kiểm tra thông tin xác thực của Google (Google Fact Check Tools).
Theo TechRepublic, người dùng có thể sử dụng những công cụ tìm kiếm để kiểm tra một vị trí, sự việc nào đó có thực sự tồn tại hay không. Trong trường hợp là một sự kiện, hãy tìm kiếm để xác định xem sự kiện đó có thật sự tồn tại và đã từng diễn ra chưa.
Đối với hình ảnh và video. Trong trường hợp là một hình ảnh hoặc video, người dùng cần xác minh xem nó được chụp ở đâu? Ảnh có phải là ảnh gốc hay đã được chỉnh sửa? Nếu hình ảnh có chứa các từ cụ thể, đừng ngần ngại kiểm tra lại chúng.
Sử dụng các công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược như Google Images, TinEye hoặc Yandex để tìm kiếm hình ảnh trùng lặp trên Internet và xác định hình ảnh đó đã từng sử dụng hay chưa. RevEye Chrome cũng là một công cụ hữu ích giúp người dùng tìm kiếm thông qua công cụ tìm kiếm ngược chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Đối với video cũng vậy, người dùng có thể sử dụng các công cụ cho phép tìm kiếm ngược video. Chẳng hạn như, InVID là một công cụ miễn phí phổ biến và hữu ích cho tiện ích này. InVID được thiết kế để giúp các nhà báo xác minh nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và cải thiện khả năng xác minh tính xác thực, đồng thời được sử dụng để kiểm tra hình ảnh hoặc video. Công cụ này cũng được sử dụng để đào tạo nâng cao nhận thức hoặc nâng cao kỹ năng phát hiện thông tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội cho người dùng.
Xác minh thông tin tác giả. Đối với các tài khoản được sử dụng để đăng thông tin, người dùng cần kiểm tra xem các tài khoản đó có tương quan với các hoạt động khác trên mạng xã hội không? Có liên kết với các tài khoản khác không? Thực hiện tìm kiếm ngược hình ảnh trên ảnh đại diện/ảnh của tác giả để tìm tài liệu bổ sung xác định xem liệu tác giả có từng liên quan hoặc tuyên truyền các thông tin sai lệch, phát tán thông tin giả mạo trước đó hay không. Đồng thời, kiểm tra thông tin liên hệ xem người đó có hiện diện trên các mạng xã hội chuyên nghiệp khác như LinkedIn không?
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể sử dụng các công cụ dành riêng cho mạng xã hội để có đánh giá rộng hơn về tác giả. Ví dụ: nếu cần điều tra tài khoản Twitter, Twitonomy có thể thực sự hữu ích bằng cách cung cấp số liệu thống kê và nhiều dữ liệu hơn về người đăng bài viết.
Xác minh nội dung. Hiện nay, rất nhiều công cụ trực tuyến có sẵn có thể giúp người dùng tìm hiểu sâu hơn cũng như kiểm tra và xác minh tính xác thực của dữ liệu.
Bellingcat, trang web báo chí điều tra có trụ sở tại Hà Lan chuyên xác minh tính xác thực của thông tin, cung cấp một bộ công cụ điều tra trực tuyến (Online Investigation Toolkit) với rất nhiều công cụ và dịch vụ hiệu quả trong lĩnh vực này.
Hay như First Draft News, dự án chống thông tin giả và tin sai lệch trực tuyến được thành lập vào năm 2015, cũng cung cấp một trang web và Sổ tay xác minh (Verification Handbook) về thông tin sai lệch.
First Draft News tập hợp một mạng lưới các nhà báo toàn cầu để điều tra và xác minh những câu chuyện mới nổi; phối hợp với các đối tác để thực hiện các dự án nghiên cứu sáng tạo và phát triển các chương trình đào tạo tiên phong; chia sẻ các công cụ số tiên tiến để giúp cả người tạo nội dung và công chúng đưa ra những đánh giá sáng suốt hơn về thông tin trực tuyến mà người dùng thường xuyên gặp, đồng thời xử lý những thông tin sai lệch cũng như xây dựng khả năng phục hồi trước thông tin có hại, sai sự thật và gây hiểu lầm.
Deepfakes - những hình ảnh, video hoặc dữ liệu âm thanh được thay đổi một cách khéo léo, tinh vi để trông giống một người nào đó đến mức khó có thể phân biệt được thật - giả. Nội dung giả mạo đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng công nghệ phát triển đã đưa nó tiến thêm một bước nữa bằng cách tận dụng máy học và trí tuệ nhân tạo. Microsoft và một số công ty khác hiện cũng đang nghiên cứu các hệ thống nhằm xác định một video hoặc ảnh có bị giả mạo hay không. Các hệ thống này, thay vì chứng minh rằng một nội dung đã bị giả mạo, sẽ chứng minh rằng một nội dung không bị thay đổi.
Bên cạnh các công cụ xác minh tính xác thực của thông tin một cách hiệu quả, thì các DN cũng cần phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa thông tin sai lệch bằng sự thật và sự minh bạch.
Mọi DN đều có thể mục tiêu và không DN nào có thể ngăn chặn hoàn toàn việc phát tán thông tin sai lệch bởi những kẻ xấu, nhưng với những kỹ thuật và công cụ hiện đại cũng giúp các DN nâng cao "sức đề kháng" với tin giả, tin sai lệch, bảo vệ lợi ích của công ty và giúp giảm thiểu thiệt hại một cách đáng kể./.