Khai phá thị trường nước ngoài bằng niềm tin, khát vọng
Chia sẻ sự dấn thân của thế hệ DN công nghệ số trẻ trong khai phá thị trường nước ngoài, tại Diễn đàn nghệ số Việt Nam 2022 mới đây, ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ VMO Holdings cho biết, VMO Holdings là thương hiệu mới ở Việt Nam với khoảng 1.200 nhân sự CNTT, phục vụ 500 khách hàng tại 30 vùng, lãnh thổ. Công ty có văn phòng chi nhánh ở Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan.
Ông Hoàng Tuấn Hải chia sẻ 10 năm trước, khi VMO Holdings thành lập đã định vị trở thành công ty toàn cầu. Trải qua nhiều khó khăn, VMO đã xác định tập trung thị trường ngách.
"Chúng tôi xác định ngành nào cũng có thị trường ngách. Lĩnh vực gia công (outsourcing) cũng có thị trường ngách và chúng tôi chọn đồng hành với các startup và "đánh thẳng" vào thị trường Mỹ.... Ngày đó chúng tôi chỉ có mỗi khát vọng, có niềm tin sẽ làm được. Chúng tôi tập trung vào startup. Biết làm việc với startup rất rủi ro, nhất là mảng tài chính nhưng đổi lại VMO được tiếp xúc với những ý tưởng tuyệt vời của startup, được tham gia vào các công đoạn để phát triển một sản phẩm CNTT. Theo đó, tất cả xu hướng công nghệ "hot" nhất đều được VMO tiếp thu sớm", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, Việt Nam ngày đó dồn lực khai phá Nhật Bản, trong khi VMO Holdings nhận thấy mọi thị trường đều có tiềm lực giống nhau và coi mỗi thị trường đều là một Nhật Bản. "VMO khát vọng chinh phục thị trường với sứ mệnh là một trong những công ty đầu tiên khai phá thị trường nước ngoài đối với ngành outsourcing".
Qua 10 năm trải nghiệm thị trường nước ngoài, VMO Holdings rút ra 2 điểm làm nên chiến thắng của VMO. Đầu tiên là luôn ưu tiên thông điệp "Tại sao là Việt Nam?" (Why Viet Nam"). Theo đó, "chúng tôi giải thích với khách hàng khi tìm hiểu về Việt Nam là Việt Nam có nền kinh tế chính trị ổn định; nhà nước, Chính phủ quan tâm công nghệ thông tin (CNTT). Vị thế và niềm tin của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ VMO Holdings cho biết.
Thứ hai là yếu tố người đồng hành. "Chúng tôi định vị mình không phải là DN cung cấp dịch vụ mà là DN đồng hành với khách hàng, startup, tham gia với họ trên mọi mặt trận kể cả khi họ thất bại. Nhiều startup thành công quay lại với VMO và cùng liên kết để cùng làm sản phẩm ở nước ngoài".
"Thị trường CNTT Việt Nam có nhiều tiềm năng và hạn chế và chúng ta phải chủ động giải quyết hạn chế đó, để biến các DN Việt Nam chủ động hơn trong các cuộc chơi", ông Hải chia sẻ.
Qua 10 năm phát triển, ông Hải cho biết VMO Holding rút 3 điểm rất thực tế cho DN khai phá thị trường nước ngoài.
Đầu tiên là cần cải thiện trình độ ngoại ngữ để cạnh tranh với trung tâm (hub) CNTT trên thế giới như Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ. Thứ hai là tư duy phản biện. "Hiện nay làm gia công cho khách hàng không đơn thuần là nhận việc làm mà các kỹ sư CNTT phải có phản biện lại và thậm chí phải tư vấn lại cho khách hàng để mang trải nghiệm người dùng tốt hơn đối với các sản phẩm. Tư duy phản biện đã trở thành văn hóa của châu Âu, Mỹ.
Thứ ba là chính sách hỗ trợ mở văn phòng và đầu tư ra nước ngoài. "Muốn làm với nước ngoài thì phải có người ở nước ngoài, đến gặp trực tiếp khách hàng, hiểu văn hoá, thậm chí hiểu khách hàng cần gì", ông Hải chia sẻ.
Theo đó, người đứng đầu VMO Holdings đưa ra hai đề xuất: Cần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, kết hợp mô hình trường học với DN nhỏ và vừa (SME); cần có hỗ trợ để giúp DN công nghệ vươn ra biển lớn.
Sản phẩm công nghệ cao Viettel chinh phục thị trường nước ngoài
Trong các DN công nghệ số, Viettel là một trong những đơn vị thành công trong việc đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra nước ngoài. Chia sẻ về hành trình này, ông Lê Minh Hà, Giám đốc Giải pháp quốc tế Tổng công ty giải pháp DN Viettel cho biết, đầu năm 2010, Viettel có chiến lược, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao.
Ông Hà chia sẻ, khi làm việc với các nhà cung cấp, đối tác nước ngoài, Viettel nhận thấy những bất cập là khi DN Việt đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu, mua bán các thiết bị nền tảng từ các đối tác nước ngoài thì không thể chủ động được trong thời gian triển khai cho khách hàng, tùy biến (customize) cho khách hàng và sẽ phụ thuộc và các vấn đề ATTT.
Viettel cũng phân tích rằng khi Viettel tham gia vào nghiên cứu, sản xuất và phát triển các sản phẩm viễn thông - CNTT thì có rất nhiều thế mạnh. Đó là thị thị trường rộng lớn tại 11 quốc gia và Viettel đầu tư.
Theo đó, Viettel đưa nhiều sản phẩm Make in Viet Nam ra nước ngoài từ sản phẩm công nghệ viễn thông như 4G, 5G do Viettel làm chủ. "Năm 2023, Viettel sẽ triển khai 5G tại các thị trường mà Viettel đầu tư và tại các thị trường châu Á ngay đầu năm 2023".
Viettel cũng làm chủ với trung tâm giám sát và điều hành thông minh IOC, phát triển những giải pháp 4.0 để phục vụ cho chuyển đổi số (CĐS) cho DN, các ngành. Nhiều dịch vụ Viettel không chỉ phát triển cho thị trường trong nước mà còn ở thị trường ở nước ngoài cho các khách hàng ngân hàng, công ty TMĐT.
Viettel cũng triển khai thành công các giải pháp, sản phẩm ATTT, tiêu biểu là trong trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC), giám sát 24/7 tại 10 thị trường và cũng đã mang sản phẩm này cung cấp cho cá khách hàng Nhật, Singapore, Hồng Kông, Lào và Nam Phi.
Để các DN số phát triển, đại diện Viettel đưa ra hai đề xuất. Trong đó, chính phủ cần có chính sách để tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ cao Make in Viet Nam, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao ngay từ thị trường trong nước... Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần tăng cường các chương trình xúc tiến, hợp tác quốc tế với chính phủ, bộ ngành các quốc gia trong chiến lược CĐS. "Đây là cơ hội cho Việt Nam đi theo để tiếp cận các dự án triển khai CĐS tại các thị trường nước ngoài", ông Hà cho hay.
Đi xa để về gần
Chia sẻ hành trình chinh phục nước ngoài của Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc nhớ lại 20 năm trước, năm 1999, khi FPT quyết định lựa chọn con đường đi ra toàn cầu. FPT đã chọn Mỹ nhưng đã gặp thất bại khi vào thị trường này. Tuy nhiên, ước mơ xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn còn nguyên và FPT chọn Nhật Bản là thị trường tiếp theo. Điều may mắn cho FPT là đã nhận được sự hỗ trợ của công ty Shumitomo.
Tuy nhiên, ông Khoa chia sẻ "giấc mơ không dễ dàng". Cũng như ông Hải ở VMO Holdings chia sẻ, khi ra toàn cầu DN Việt phải trang bị ngôn ngữ bản địa. "Khi đó hầu hết các lãnh đạo của FPT phải đi học tiếng Nhật".
Tiếp theo, ông Khoa cho biết sự hiện diện tại Nhật Bản của FPT là nhờ có quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Nhật Bản ngày càng phát triển.
Ông Khoa cũng cho biết trong 5 năm gần đây, FPT chuyển dịch hàm lượng. Trước đây, FPT 99% là gia công, khách hàng đưa gì làm nấy. Nhưng 5 năm gần đây, FPT chuyển dịch mạnh mẽ sang làm các dịch vụ tư vấn, chuyên môn sâu hơn. "Ở châu Âu, FPT cùng 1 hãng sản xuất về ngành công nghiệp ô tô có 77 nhà máy trên toàn cầu, cùng nghiên cứu và phát triển (R&D) các giải pháp thông minh để giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics của họ. FPT cũng đang cùng với công ty Điện lực châu Âu, nơi đang phát triển mạnh năng lượng tái tạo để triển khai các giải pháp quản lý điện gió".
Theo ông Khoa, mọi người vẫn nghĩ FPT đi ra ngoài nhưng thực ra FPT đã làm rất nhiều hệ thống trong nước như hệ thống tài chính, hải quan, thuế, ngân hàng, kho bạc. Nhưng rõ ràng nhất là FPT đã dùng kinh nghiệm quốc tế để triển khai dự án 100 ngày "khơi thông dòng chảy" HOSE năm 2021. "Để làm sao quản trị được 1 dự án với số lượng công việc lớn như vậy, đó là những cái FPT đúc kết từ kinh nghiệm làm ở nước ngoài".
FPT có giải pháp eHospital, đã phục vụ hơn 400 bệnh viện trong cả nước và 15 bệnh viện ở nước ngoài. "Trong quá trình làm, FPT đã rút ra được rất nhiều bài học. Để làm sản phẩm Make in Viet Nam phải là một sự tích lũy nhiều năm, công tác R&D luôn được cải thiện và phát triển".
Ông Khoa cũng nhận định: "Ngành CNTT Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng gấp đôi GDP, thậm chí có công ty còn cao hơn. Chúng ta đang tăng trưởng theo mô hình xanh hóa các ngành kinh tế và CNTT sẽ đóng góp rất lớn vào trong các hoạt động của các DN trong tương lai. Đặc biệt, là khi chúng ta cần phải đẩy vào các hệ thống kinh tế tuần hoàn. Đứng sau kinh tế tuần hoàn là cả 1 hệ thống rất lớn, làm sao đủ kinh nghiệm, đủ trải nghiệm hiểu biết về lĩnh vực đó thì không dễ".
Việt Nam đang bước vào cơ hội dành cho các DN công nghệ Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. "Đóng góp thế nào, đi thế nào cho đúng, tôi nghĩ rằng cần có một cộng đồng DN công nghệ. Chúng tôi đi nước ngoài thấy cộng đồng DN Việt Nam rất yếu nên Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA) muốn trở thành người đồng hành của các DN Việt Nam mang kinh nghiệm, bài học có được để phục vụ Việt Nam", ông Khoa chia sẻ.
Theo Cục công nghiệp CNTT và truyền thông, Bộ TT&TT, đã có 1400 DN công nghệ số có sản phẩm Make in Viet Nam đi ra toàn cầu. Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam đảm nhận trọng trách CĐS quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài.
Các DN đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, DN lớn như Viettel, VNPT, FPT. Các DN lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các DN vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới./.