Điều gì khiến nông dân hạnh phúc nhất?

Thứ tư, 27/11/2013 14:39

Hầu hết những nông dân khi rời xa ruộng đồng đều cảm thấy ít hạnh phúc hơn, cho dù họ có thu nhập ổn định. Theo xu thế dịch chuyển cơ cấu sản xuất, sẽ có hàng triệu nông dân chuyển đổi nghề nghiệp. Như vậy, cần tính toán đến chi phí tâm lý nhất định cho quá trình này.

img

Ảnh minh họa

Đây là nội dung rất đáng chú ý tại hội thảo "Công bố báo cáo nghiên cứu sâu dựa trên kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 21/11.

Theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện CIEM, các nghiên cứu này được thực hiện vào các năm 2002, 2006, 2008, 2010 và gần đây nhất là vào năm 2012. Nghiên cứu đã thu thập được một lượng lớn các thông tin kinh tế-xã hội từ các vấn đề như tiết kiệm, thu nhập đến sở hữu đất đai và di cư, qua thực hiện phỏng vấn trên 3.700 hộ gia đình ở khu vực nông thôn các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đăk Lắk, Đắk Nông, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. 

Trong khi tìm hiểu về những chính sách phát triển kinh tế khiến con người hạnh phúc hơn, nhóm tác giả Thomas Markussen, Maria Fibaek, Finn Tap từ Đại học Copenhagen và Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thuộc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Bộ NNPTNT) đã có nghiên cứu xem xét những khía cạnh của phát triển kinh tế có tác động tới hạnh phúc của người nông dân.

42% nông dân hài lòng với cuộc sống

Khi được hỏi về mức độ hài lòng về cuộc sống, kết quả thu về là 7% người được hỏi trả lời “Rất hài lòng”, 42% "Khá hài lòng", 45% “Không hài lòng” và 6% “Không hài lòng chút nào” về cuộc sống hiện tại.

Những yếu tố được tính đến tác động tới hạnh phúc của người dân nông thôn là thu nhập, nghề nghiệp, sở hữu đất đai, giáo dục, sức khỏe; cùng với đó là các yếu tố sinh sản, cấu trúc gia đình, di cư và mạng lưới xã hội, rủi ro và các cú sốc. Những yếu tố thường tác động tích cực đến tâm lý người nông dân là sức khỏe, giáo dục và quản lý rủi ro đối với hạnh phúc. Đây là những yếu tố được nhóm nghiên cứu đánh giá có thể dễ dàng đạt được khi thu nhập tăng.

Tuy nhiên, nổi bật nhất trong tác động tích cực đến tâm lý người dân ở nông thôn lại là yếu tố thu nhập của bản thân. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, ở nhóm có thu nhập cao nhất, 70% người được hỏi trả lời rằng “khá” hoặc “rất” hài lòng với cuộc sống của mình. Ở nhóm thu nhập thấp nhất, tỷ lệ tương ứng chỉ là 40%.

Một điểm đáng lưu ý khác trong hình thức tìm kiếm thêm thu nhập của các hộ gia đình, theo ông Lưu Đức Khải, Trưởng Ban chính sách phát triển nông thôn (CIEM), là di cư lao động.

Theo ông Khải, trên 20% hộ gia đình được phỏng vấn cho biết có ít nhất một thành viên trong gia đình đã di cư đến nơi khác. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi này là để kiếm tiền giúp gia đình sau một biến cố bất ngờ như thiên tai, bão lụt. Các khoản tiền gửi về quê của lao động di cư trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của các hộ gia đình và dự kiến xu hướng này sẽ còn gia tăng trong tương lai.

Cần chuẩn bị chi phí tâm lý

Từ nghiên cứu về những yếu tố tác động đến hạnh phúc của nông dân Việt Nam, Giáo sư Finn Tarp thuộc trường đại học Copenhagen chỉ ra trong nhóm kiểm soát được thu nhập của mình thì những người làm công, làm thuê, thậm chí là làm cho chính doanh nghiệp phi nông nghiệp của mình thường cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với những người làm nông nghiệp trên đồng ruộng.

Một điểm đáng lưu ý nữa là tác động tiêu cực tâm lý được nhận thấy ở tất cả những ngành xa rời nông nghiệp, dù đó là những lao động có hoặc không có kỹ năng. Giáo sư Finn cho rằng điều này rất đáng được quan tâm, bởi trong thời gian tới sẽ có hàng triệu người nông dân Việt Nam chuyển từ lao động thuần nông sang làm công, làm thuê. Trong khi đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng nó sẽ kéo theo những chi phí tâm lý nhất định.

Thực tế, ông Lưu Đức Khải nhận định, qua nghiên cứu “Thu nhập phi nông nghiệp, đa dạng hóa và phúc lợi” của nông thôn Việt Nam cho thấy hiện đang có sự thay đổi về mô thức lao động.

Theo số liệu điều tra Nông, Lâm, Thủy sản (AFF), có tới gần 80% lao động làm việc trong khu vực này năm 2001 và giảm xuống còn gần 60% năm 2011. “Việc chuyển dịch lao động từ các hoạt động nông nghiệp có năng suất thấp sang các ngành hiện đại hơn có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây”, ông Khải nhấn mạnh.

Tuy nhiên hiện nay, khoảng 47% lực lượng lao động vẫn làm nông nghiệp, chủ yếu sống ở nông thôn. Do vậy chuyển dịch cơ cấu ở cấp độ vĩ mô có thể phản ánh sự thay đổi về cách thức tạo thu nhập của hộ gia đình ở cấp độ vi mô.

Đặc biệt, số liệu khảo sát cho thấy có sự giảm tỷ trọng hộ thuần nông đáng kể. Nếu năm 2008 có tới 56,01% hộ thuần nông thì đến 2012 chỉ còn 21,3%. Kèm theo đó là tăng đáng kể tỉ lệ hộ kết hợp nhiều hoạt động (như làm nông nghiệp và làm công/thuê), từ 12,23% năm 2008 lên 44,26% năm 2012.
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top