Ngân hàng cấp thiết phải chuyển đổi số (CĐS) để đáp ứng trải nghiệm khách hàng
Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2021, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban dịch vụ cấp cao VNG Cloud cho biết với xu thế phát triển của công nghệ, các mô hình kinh doanh thì yêu cầu của khách hàng đang thay đổi rất nhiều, đặc biệt nhu cầu khách hàng trong ngành ngân hàng bán lẻ cũng đang có sự thay đổi. Khách hàng giờ đây mong muốn có những trải nghiệm số, tự phục vụ để không mất quá nhiều thời gian trong việc tương tác với các dịch vụ ngân hàng và có thể chọn được những kênh mình yêu thích.
Ngoài ra, khách hàng cũng mong muốn những quy trình tự động, minh bạch hơn đảm bảo các giao dịch tức thời, ngang hàng (P2P) và có những chức năng tự động thanh toán, tự động ghi nhớ để đảm bảo không mất quá nhiều thời gian cho phần tương tác. Khách hàng cũng có những yêu cầu cao cấp hơn như cá nhân hoá các dịch vụ, giao diện người dùng, đặc biệt khách hàng còn muốn nhận được những gợi ý dịch vụ, sản phẩm mà khách hàng thực sự mong muốn.
Theo đó, ông Nam cho biết việc chuyển đổi và hiện đại hoá là yêu cầu cấp thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Do vậy, ngân hàng cần cải thiện, tạo ra trải nghiệm người dùng toàn diện, đa kênh để giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất.
Hiện tại, theo ông Nam, tất cả các ngân hàng đang hướng tới việc chuyển sang mô hình ngân hàng số. Mục đích là cung cấp cho khách hàng trải nghiệm duy nhất và tốt nhất và mang đậm giá trị thương hiệu của ngân hàng mình.
Với sự phát triển của công nghệ, ngân hàng còn phải giải quyết bài toán công nghệ mới như quản lý quy trình thông tin, quy trình dữ liệu, tài liệu và liên quan đến RPI, tích hợp quy trình tự động hoá để làm sao mà giảm thiểu các quy trình.
Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và CĐS sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên tham gia từ khách hàng cho đến các bên đầu tư sẽ cải thiện được hiệu suất, năng suất của sản phẩm và làm khách hàng hài lòng hơn mà vẫn sẽ tuân thủ được các quy định. Ngoài ra, chúng ta sẽ cải thiện được giá trị của các bên tham gia vào đầu tư.
Việc CĐS không chỉ là phương diện công nghệ mà mà bắt đầu từ việc thay đổi văn hoá (văn hoá trong DN, xử lý, thu thập dữ liệu (data), khả năng phát triển, khách hàng, đạo đức kinh doanh).
Với các tiêu chí này, ông Nam đặt câu hỏi hiện các ngân hàng bán lẻ đã sẵn sàng chuyển đổi chưa?
Theo ông Nam, có 3 điểm để CĐS ngân hàng thành công. Đó là ngân hàng cần làm việc nội bộ để đảm bảo năng lực nội tại và hiểu được nhu cầu để xác định thay đổi kinh doanh; thứ hai là tận dụng các nền tảng có sẵn, các nền tảng đám mây, ưu thế, ưu việt của các nền tảng đám mây để giúp ngân hàng CĐS hiệu quả; thứ ba là nên tìm kiếm một đối tác đồng hành và đi cùng trên con đường CĐS ngân hàng.
Xu hướng và khả năng ứng dụng đám mây của các ngân hàng Việt Nam
Cuộc đua CĐS đã và đang là xu thế tất yếu của các DN, đặc biệt là ngành ngân hàng nhất là thời gian sau dịch COVID-19. Ông Hà Như Hải, Giám đốc Kinh doanh và truyền thông VNG Cloud cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh đại dịch COVID-19 càng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các ngân hàng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn để bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới.
Để hội nhập với nền kinh tế số, ông Hải cho biết nhiều ngân hàng Việt Nam bắt đầu tìm tới công nghệ nhằm tối ưu chi phí, thời gian quản lý và đáp ứng trải nghiệm khách hàng. ĐTĐM hiện đang là phương án tối ưu được hầu hết ngân hàng bán lẻ lớn tin tưởng.
Với sự linh hoạt và tính khả thi cao, các ngân hàng đang từng bước tiếp cận và ứng dụng ĐTĐM vào hệ thống. Tuy nhiên, hiện nay mức độ ứng dụng vẫn còn thấp do một số khó khăn.
Đầu tiên là chi phí đầu tư cho công nghệ mới. Công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng thay thế bởi các công nghệ mới. Chi phí công nghệ lớn, phải thường xuyên cải tiến, bảo trì, nâng cấp hệ thống, thay mới công nghệ để đáp ứng cạnh tranh, điều này tạo áp lực rất lớn cho các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô trung bình và nhỏ.
Khó khăn tiếp theo là sự thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là đội ngũ nhân sự có năng lực tư vấn/triển khai và vận hành hệ thống ĐTĐM, hiện đang là thách thức lớn khi ngân hàng tự tin chuyển đổi hoạt động lên nền tảng đám mây.
Khó khăn nữa là lo ngại vấn đề bảo mật. Vấn đề bảo mật là yếu tố xương sống của lĩnh vực ngân hàng tài chính. Phát triển ngân hàng số đang đối diện với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khi ngành ngân hàng luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ. Theo đó, việc đánh giá và ứng dụng hệ thống có tính bảo mật cao, cũng như sẵn sàng cơ cấu lại chi phí đầu tư CNTT để đầu tư cho bảo mật cũng là rào cản với Ngân hàng.
Dù có những khó khăn nhưng ông Hải cho biết việc các ngân hàng ứng dụng đám mây là cần thiết. Đám mây nói chính xác cũng chỉ là nền tảng/hạ tầng, nên xu hướng sẽ tiến đến các mô hình hạ tầng thông minh/tối ưu phù hợp nhu cầu từng nhóm khách hàng như: đám mây lai (hybrid cloud), đám mây phân tán (distributed cloud), serverless computing (phương pháp cung cấp backend service theo thực tế sử dụng), nền tảng như là một dịch vụ (platform as a service) và đa đám mây (multi-cloud).
Và khi các hệ thống phần mềm như là một dịch vụ (SaaS) phát triển mạnh, nội dung ngày càng nhiều thì điện toán biên (edge computing) sẽ là xu hướng. Điện toán biên là nền tảng của công nghệ Internet vạn vật (IoT) được sử dụng trong các thành phần nhận dạng khuôn mặt, chuông cửa từ xa, hệ thống kiểm soát nhiệt độ và công tắc đèn thông minh.
Đồng hành trong tiến trình CĐS ngân hàng
Đồng hành với ngân hàng CĐS, ông Nguyễn Duy, Trưởng bộ phận tư vấn giải pháp VNG Cloud cho biết trong hệ sinh thái của VNG có rất nhiều các sản phẩm lớn như hệ thống game, Zalo, Zalo Pay và các hệ thống này đều đang hoạt động trơn tru, hiệu quả nhờ vào hệ sinh thái hạ tầng rất tốt là VNG Cloud. VNG Cloud cung cấp đa đám mây (multi-cloud), đám mây riêng, trung tâm dữ liệu (TTDL) và là đơn vị đối tác của các hãng đám mây công cộng (public cloud) như AWS, Google, Microsoft…
VNG Cloud có nhiều dịch vụ để đồng hành với quá trình CĐS của ngân hàng, với 4 dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ ngân hàng CĐS, đổi mới, gồm: tư vấn và chuyển đổi lên đám mây; cung cấp các gói dịch vụ liên quan đến quản trị như cung cấp các gói dịch vụ để đồng hành cùng các ngân hàng để quản lý; theo dõi, tối ưu hoá dịch vụ, chi phí ứng dụng đám mây; dịch vụ tích hợp và hỗ trợ kỹ thuật.
Trong hệ sinh thái của ngân hàng có rất nhiều ứng dụng và nhu cầu về phát triển ứng dụng cũng tăng rất là nhanh với các hệ thống cốt lõi đã cũ mà phát triển ứng dụng thì mất nhiều thời gian.
"VNG Cloud có thể đưa ra được những giải pháp, kiến trúc ứng dụng nhanh hơn với nền tảng lập trình ít và lập trình nhanh. Với xu hướng hợp tác với các ngân hàng và fintech, thì việc tích hợp được hệ thống tự động hoá quy trình bằng robot (RPA) để chia sẻ dữ liệu để có thể kinh doanh những cái dữ liệu của mình là điều rất là quan trọng", ông Duy cho hay.
Về dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, ông Duy cho biết các nền tảng đám mây cung cấp rất nhiều dịch vụ cao cấp và VNG có thể tham gia tư vấn và phát triển các dịch vụ trên đám mây cùng khách hàng. Để làm và đóng gói được dịch vụ, VNG có một quy trình (framework) để hỗ trợ khách hàng từ những giai đoạn ban đầu, từ việc khảo sát lên chiến lược, ra được cái lộ trình và sau đó thực hiện chuyển đổi và cuối cùng có thể đồng hành quản lý, tối ưu hoá dịch vụ.
"Chúng tôi đi cùng vòng đời với toàn bộ quá trình chuyển đổi của khách hàng. Trong mỗi lộ trình thì đều có những hạng mục được định nghĩa ra rất là rõ và có thể tham gia vào từng hạng mục với khách hàng", ông Duy cho hay./.