Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III

Thứ bảy, 11/12/2021 21:11

Ngày 11/12/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam. Tới dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

20211211-l9.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III

Tham dự Diễn đàn có các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành…

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III là sự kiện lớn của ngành Thông tin và Truyền thông nhằm đánh giá kết quả sau hơn một năm cộng đồng công nghệ số đồng lòng, chung sức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đồng thời định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn tới, đặc biệt là năm 2022.

Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không làm thì sẽ bị tụt lại phía sau và không thể phát triển được. Đồng thời, chuyển đổi số cũng là xu thế toàn cầu, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu. Chúng ta cần chú trọng đoàn kết, hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên thế giới.

Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số tạo nên sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu theo hướng phát triển bền vững, vừa phòng chống Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Chuyển đổi số phải đóng vai trò quan trọng trong chống biến đổi khí hậu, phải phục vụ cho chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, khắc phục cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số.

Thủ tướng chỉ đạo, để thúc đẩy chuyển đổi số, các cấp các ngành phải tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra; phải hoàn thiện thể chế, thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Thể chế không phù hợp sẽ cản trở sự phát triển. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai, logistics, du lịch, văn hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải phát huy tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Trong chuyển đổi số, chúng ta phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, với nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.

“Tư tưởng đã thông rồi, quyết tâm cao rồi, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy tập trung cho hành động, hành động quyết liệt, có hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng: Cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đất nước chúng ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáp từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, sự có mặt của Thủ tướng tại Diễn đàn hôm nay thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng dành cho Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với tinh thần Make In Viet Nam.

Thay mặt cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ với những trăn trở của Thủ tướng về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, vừa chống covid vừa phục hồi kinh tế. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giải quyết những nỗi đau của đất nước, những trăn trở của Thủ tướng.

Bộ trưởng cam kết Bộ TT&TT và  cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số xin nhận nhiệm vụ sử dụng công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ Việt Nam, giải quyết những bài toán Việt Nam. Công nghệ số sẽ giải được những bài toán khó tồn tại từ lâu đối với nhân loại, đối với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng.

20211211-l0.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy hành động, hành động nhanh và hiệu quả

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới cộng đồng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nhân Ngày doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12.

Tại Diễn đàn năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc thì tạo ra người, việc thì tạo ra công ty. Việc lớn thì tạo ra người giỏi, việc lớn thì tạo ra công ty lớn. Việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại, việc vĩ đại thì tạo ra công ty vĩ  đại. Các nền tảng số được nêu tên trong Diễn đàn hôm nay là những việc lớn phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Vĩ đại là vì những nền tảng này phục vụ hàng chục, hàng trăm triệu người dân, hỗ trợ chuyển đổi số cho cả một lĩnh vực. Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là một việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và những doanh nghiệp vĩ đại được sinh ra trong công cuộc này.

“Những việc cụ thể được giao cho những đơn vị cụ thể, có mục tiêu, có thời gian, có cơ chế hỗ trợ. Đây là cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước. Những việc dù có khó mấy nhưng nếu được gọi tên một cách rõ ràng và được giao cho một đơn vị cụ thể, thì có lẽ phần khó nhất đã được giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy CĐS quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có tên, có sứ mệnh và hôm nay đã có những nhiệm vụ, công việc cụ thể. Niềm tin mà Đất nước, Chính phủ đặt vào chúng ta là rất lớn. Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi.

20211211-l6.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng công bố 35 nền tảng số quốc gia Bộ TT&TT giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ trì phát triển

*Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã công bố 35 nền tảng số quốc gia Bộ TT&TT giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ trì phát triển. Các nền tảng được chia thành 6 nhóm: Nhóm nền tảng hạ tầng số; Nhóm nền tảng công nghệ số cốt lõi; Nhóm nền tảng chính phủ số; Nhóm nền tảng y tế - giáo dục – văn hóa – xã hội; Nhóm nền tảng tài chính – ngân hàng-kinh doanh; Nhóm nền tảng nông nghiệp – giao thông – kho vận – công thương.

Một số hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành... tham quan triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tại Diễn đàn: 

20121211-l3.jpg

20211211-l7.jpg

20121211-l2.jpg

 

Chương trình Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số bao gồm 02 phiên. Trong đó, phiên chính bàn về các bài toán chuyển đối số mà Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện vào năm 2022 để làm nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số. Cũng tại Diễn đàn, các diễn giả và đại biểu sẽ trình bày, trao đổi, thảo luận về vai trò và phương thức các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đây là những bài toán, nhiệm vụ trọng tâm cần được các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đảm nhận và triển khai.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc. Hoạt động bên lề Diễn đàn là triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Diễn đàn là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

 

Nhóm PV
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top