"Mọi thứ bắt đầu từ giáo dục", Tổng thống Estonia Alar Karis cho biết hôm 11/11, phát biểu tại một sự kiện cấp cao về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được tổ chức tại Diễn đàn Hòa bình Paris (Paris Peace Forum) lần thứ 5, diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/11/2022 tại thủ đô Paris, Cộng hoà Pháp.
Sáng kiến "phòng thí nghiệm"
Người đứng đầu nhà nước Estonia nói, trong khi Internet hỗ trợ đổi mới và số hóa, mà ông gọi là những điều tích cực, cả hai đều đi kèm với những rủi ro cố hữu, ông nói thêm, đặc biệt là đối với giới trẻ.
"Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trên không gian mạng. Thông qua giáo dục và đào tạo, chúng ta phải nâng cao mức độ nhận thức về các mối đe dọa do Internet gây ra", Tổng thống nói tiếp.
Một "phòng thí nghiệm" (laboratory) sẽ được giao nhiệm vụ lựa chọn, đánh giá, phát triển và thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề an toàn của trẻ em trên Internet, hàng năm sẽ chọn ra các dự án để đánh giá, trong khi nhóm chuyên gia của nó sẽ công bố kết quả tại Diễn đàn Hòa bình Paris hàng năm.
Việc xác nhận độ tuổi của trẻ em khi sử dụng Internet là mối quan tâm hàng đầu, cùng với việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trong việc phân phối nội dung trực tuyến, quấy rối và bắt nạt trên mạng, kỹ năng kỹ thuật số và hỗ trợ của cha mẹ.
Những người khổng lồ trực tuyến toàn cầu bao gồm: Amazon, Dailymotion, Google, Instagram, Meta, Microsoft, Snapchat, Twitter, Qwant và TikTok đều sẽ tham gia vào công việc của "phòng thí nghiệm". Ngoài ra tham gia vào đây còn có Liên Hợp Quốc, UNICEF và các tổ chức xã hội dân sự Save the Children, WeProtect, E-enfance, RespectZone và Point de Contact...
Hội nghị bàn tròn do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn đầu đã được tổ chức tại Điện Élysée hôm 11/11, giới thiệu "phòng thí nghiệm" như một sáng kiến chung của Pháp, Estonia, Argentina và New Zealand mà công việc sẽ có sự tham gia của đại diện nhiều quốc gia, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và những người khổng lồ Internet.
Ý tưởng xuất phát từ thành công của sáng kiến Christchurch Call, được công bố nhằm phát hiện và ngăn chặn nội dung khủng bố trực tuyến, sau vụ tấn công khủng bố năm 2019 nhằm vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố cùng tên tại New Zealand.
Pháp đã đề xuất thành lập "phòng thí nghiệm", bao gồm nhiều chuyên gia, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân, quốc gia và cơ quan luật pháp công cộng tham gia vào vấn đề này.
Nhân dịp này, ông Macron đã kêu gọi chủ nhân mới của Twitter, Elon Musk, tham gia sáng kiến. "@Elonmusk, Liệu chú chim có bảo vệ được trẻ em không?" (Will the bird protect our children?). Nguyên thủ quốc gia Pháp đã "tweet" trên Twitter nội dung đề cập đến logo nổi tiếng với hình dạng một chú chim xanh của mạng xã hội này.
"Không gian kỹ thuật số không thể là nơi vô luật pháp. Đó là cuộc chiến mà chúng tôi đã dẫn đầu, chống lại chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại những nội dung gây căm phẫn trực tuyến. Đây là những gì chúng ta phải theo đuổi để bảo vệ trẻ em của chúng ta", ông Macron nói khi bắt đầu hội nghị bàn tròn.
Các sáng kiến khác
Tổng thống Karis của Estonia cũng đồng ý với đề xuất về các yếu tố chính để phát triển các sổ tay (handbooks) và phối hợp đào tạo, vì theo ông, các cơ hội và rủi ro do Internet mang lại phần lớn là phổ quát, đồng thời ông nói thêm rằng, một cách tiếp cận thống nhất sẽ thúc đẩy việc đào tạo giáo viên.
"Estonia đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác trong việc thực hiện các chương trình cần thiết để bảo vệ trẻ em trên Internet và chúng tôi mong muốn "phòng thí nghiệm" sẽ đưa ra những ý tưởng về vấn đề đó", tổng thống nói thêm.
Tổng thống Karis cũng cung cấp tổng quan về các sáng kiến của Estonia được thiết kế để thúc đẩy hành vi trực tuyến có trách nhiệm và bảo vệ khỏi các mối đe dọa, nêu bật đường dây trợ giúp trẻ em Lasteabi, dự án "Targalt internetis" ("Thông minh trên web") và dịch vụ cảnh sát trực tuyến (Veebipolitseinikud) như các ví dụ điển hình về những vấn đề có liên quan.