Điểm tựa Nghi Sơn thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Bắc Trung Bộ

Thứ hai, 05/10/2020 16:16

Thời gian qua, hệ thống cảng biển Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) được cho là có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện, lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một phong phú. Cảng Nghi Sơn cũng đã có tuyến hàng hải quốc tế, mở ra cơ hội phát triển to lớn và sự thông thương hàng hóa qua đây.

 

20201005-l10.jpg

Hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn đã đón nhiều chuyến tàu quốc tế cập bến

trở thành yếu tố quan trọng cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Thanh Hóa

Từ tháng 5/2019, với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp khai thác cảng, Khu Kinh tế Nghi Sơn bắt đầu hình thành và khai thác tuyến container quốc tế. Từ đó đến nay, Tập đoàn CMA CGM – một hãng tàu vận tải container hàng đầu thế giới đã có 40 chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn để đưa hàng hóa đến và đi nhiều nước trên thế giới.

Có được kết quả trên, đầu tiên phải kể đến việc các doanh nghiệp đầu tư cảng không ngừng đầu tư, xây dựng hạ tầng cảng biển Nghi Sơn hiện đại, có thể đón được các tàu hàng có tải trọng lớn của thế giới. Về các bến cảng tổng hợp, đến nay đã có 13 bến được đưa vào vận hành, trong đó có 8 bến khá hiện đại của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và Công ty Xi măng Long Sơn. Các bến cảng tổng hợp còn lại đang được các chủ đầu tư triển khai xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh đó, đã có 10 bến cảng container được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó, Công ty CP Gang thép Nghi Sơn là chủ đầu tư 4 bến, 6 bến còn lại của Công ty Xi măng Long Sơn.
 
Để thuận lợi cho thu hút đầu tư, Ban Quản lý Nghi Sơn đã chú trọng công tác quy hoạch và mở rộng KKTNS. Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng KKTNS đã được phê duyệt tại Quyết định 1364/2007/QĐ-TTg ngày 10-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2017, Ban Quản lý KKTNS đã cơ bản hoàn thành lập quy hoạch phân khu chức năng KKTNS. Tiếp đó, Ban Quản lý KKTNS và UBND tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7-12-2018. Hiện nay, Ban Quản lý KKTNS đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các bước lập quy hoạch các khu chức năng mới theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung, như: Lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghiệp số 12 (đã được UBND tỉnh phê duyệt dự toán khảo sát, lập quy hoạch).
 
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để “đón” các nhà đầu tư cũng được Ban Quản lý KKTNS và tỉnh quan tâm. Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, tỉnh đã tranh thủ vận động, cân đối và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Trung ương cấp và vốn ngân sách tỉnh để ưu tiên tập trung cho một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng trong KKTNS là 2.650 tỷ đồng, đầu tư 15 dự án chuyển tiếp và 12 dự án khởi công mới, đã hoàn thành 14 dự án, đưa tổng số dự án đã hoàn thành và đi vào khai thác kể cả giai đoạn trước là 57 dự án. Cùng với nguồn vốn ngân sách, Ban Quản lý KKTNS đã tham mưu cho tỉnh tập trung thu hút các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng bến cảng, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng xã hội, từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Từ năm 2016 đến nay, KKTNS đã thu hút được 12 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.037 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại KKTNS lên 33 dự án với tổng vốn đăng ký 24.703 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 13.216 tỷ đồng.
 
Mặt khác, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Hải quan và các đơn vị có liên quan để làm việc, mời gọi một số hãng tàu quốc tế khác, như: Hyung A (Hàn Quốc), SITC (Việt Nam) nhằm khai thác thêm các tuyến container quốc tế đi và đến Nghi Sơn. Lượng hàng hóa nhập và xuất khẩu qua cảng đã nộp ngân sách Nhà nước gần 600 tỷ đồng trong gần 1 năm qua.
 
Riêng các bến chuyên dụng, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại vùng biển Nghi Sơn, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, phát triển mạnh hạ tầng cảng cũng như sự cạnh tranh lành mạnh trong dịch vụ bốc xếp và vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển. Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát đang triển khai đầu tư 2 bến nhô dạng trụ cập phía ngoài cho tàu hàng có tải trọng đến 20.000 tấn cập bến. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng xây dựng hệ thống kho xăng dầu ngoại quan và nội địa ngay gần cảng với tổng dung tích 165.200 m3 và kho LPG công suất 2.000 tấn để có thể đón các tàu dầu và khí hóa lỏng vào ra nhập và lấy hàng. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng chuyên dùng phục vụ kho dầu đầu mối LPG và kho nhựa đường lỏng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn do Công ty TNHH Tân Thành 8 làm chủ đầu tư, với công suất kho bồn chứa LPG 57.000 tấn/năm và kho chứa nhựa đường lỏng 48.000 tấn/năm. Nhiều bến chuyên dụng khác đã hoàn thành và phát huy tác dụng từ nhiều năm qua, như các bến của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Hiện tại, phía Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 cũng đang khẩn trương xây dựng bến cảng chuyên dụng riêng của mình.
 
Trong lĩnh vực logistics, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đầu tư khu dịch vụ hậu cần cảng và một số dự án liên quan với tổng quy mô 60 ha ngay tại khu vực cảng biển Nghi Sơn. Các dự án đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó một số dự án đã được các chủ đầu tư đưa vào khai thác.
 
Hiện nay, nhiều khu vực luồng lạch tại đây có hiện tượng bồi lắng nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đấu mối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nạo vét luồng vào Cảng Nghi Sơn. Đây là dự án lớn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng, được đề nghị sử dụng nguồn vốn ODA của Tổ chức JICA (Nhật Bản).
 
Là khu kinh tế động lực ven biển như Nghi Sơn, việc phát triển mạnh hạ tầng cảng biển là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội phát triển ngày càng to lớn. Toàn khu kinh tế và cảng biển sẽ có sự phát triển tương hỗ, trong đó phát triển mạnh hạ tầng cảng biển chính là những bước đi đầu tiên cho sự phát triển ấy. Đây là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho cả vùng kinh tế Bắc Trung Bộ.
Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top