Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra, bảo vệ đảo Nam Du. Ảnh: Đăng Bảy
1. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Đón tôi tại cầu cảng là Thượng tá Mai Văn Cảnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du, người đã có trên 20 năm gắn bó với đảo xa. Từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp khóa 25, đào tạo sĩ quan, Trường Sĩ quan Biên phòng, anh khoác ba lô ra nhận công tác tại đảo Phú Quốc. Duyên phận, tình yêu với biển, đảo, trách nhiệm với công việc đã cho Mai Văn Cảnh cơ hội trải nghiệm 6 năm làm Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Sơn. Trước khi về làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du (tháng 3-2018), Mai Văn Cảnh đã có một nhiệm kỳ làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thổ Châu – đảo xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Kiên Giang. Anh dí dỏm khi nói về những năm tháng quân ngũ: “Tôi tuổi “trâu nước” (sinh năm 1973, quê Thanh Hóa) nên gắn bó với biển, đảo hoài. Riết rồi thành quen, thành yêu cuộc sống ở đảo. Hòn Sơn, Nam Du, Thổ Châu... từ lâu đã là nhà, là quê hương của tôi rồi...”.
Là người gắn bó, có trách nhiệm với đơn vị và có trí nhớ khá tốt nên không cần sổ sách, giấy tờ, Đồn trưởng Cảnh nói như thuộc nằm lòng tình hình địa bàn, dân cư, cuộc sống sinh hoạt của người dân 2 xã đảo An Sơn và Nam Du, huyện Kiên Hải do đơn vị phụ trách... Anh cho biết, địa bàn 2 xã có 2.400 hộ với gần 9.000 người, chủ yếu sống bằng nghề biển. Những năm trước kia, cuộc sống của người dân ở 2 xã đảo này luôn thanh bình và ổn định. Từ năm 2017, du lịch phát triển, kinh tế có bước chuyển mình rõ rệt, thì đi cùng với đó là các tệ nạn xã hội như gây gổ đánh nhau, trộm cắp... Chính vì thế, công tác quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh, trật tự cũng trở nên phức tạp hơn. Địa bàn rộng, phương tiện hạn chế, việc đi lại trên biển, đảo rất khó khăn. Những năm gần đây, vào mùa du lịch, ngày cao điểm, có tới 2.000-3.000 lượt du khách đến đảo Nam Du. “Nếu không quản lý tốt địa bàn, không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương, đơn vị rất khó hoàn thành được nhiệm vụ” – Đồn trưởng Cảnh chia sẻ.
Anh Lê Quốc Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn nói: Ở 2 xã đảo An Sơn và Nam Du, gần như người dân nào cũng có số điện thoại của cán bộ Biên phòng. Hễ có chuyện gì liên quan đến an ninh, trật tự, họ đều gọi điện báo cho mấy anh Biên phòng. Được dân tin yêu, chính quyền tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ, Đồn Biên phòng Nam Du luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi vùng biển, đảo đơn vị phụ trách. Bên cạnh đó, ở 2 xã Nam Du và An Sơn không có ngư dân nào xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Anh Võ Văn Võ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Sơn nói: Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm, những năm qua, Đồn Biên phòng Nam Du còn tham mưu cho địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
2. Cũng giống như phần lớn các hòn đảo khác ở khu vực phía Nam, dân cư ở quần đảo Nam Du chủ yếu sống bằng nghề biển và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Đảo có diện tích không lớn, nhưng dân cư sinh sống đông đúc nên nhà cửa xây dựng san sát nhau, chật chội còn hơn ở phố thị, nhất là khu dân cư ấp Củ Tron, xã An Sơn. Việc xây dựng nhà cửa theo kiểu tự phát cộng với ý thức chủ quan của người dân đã gây ra những hệ lụy phức tạp. Trước kia, ấp Củ Tron từng là tâm điểm của dịch sốt xuất huyết.
Theo anh Lê Quốc Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn phụ trách khối văn hóa-xã hội, vào mùa mưa, nước chảy nhiều, không có chỗ thoát nước, một số khu vực dân cư bị ngập úng kéo dài từ tháng này qua tháng khác. Bên cạnh đó, người dân thường trữ nước mưa vào các lu, chum nhưng không có nắp đậy. Đây chính là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Nhưng đáng lo ngại nhất là phần lớn người dân đảo có thói quen ngủ không mắc màn nên khi bệnh sốt xuất huyết bùng phát rất nguy hiểm.
Thiếu tá Nguyễn Trung Chánh, y sĩ Đồn Biên phòng Nam Du nhớ lại: Khi sốt rét bùng phát thành dịch, nhất là khu vực ấp Củ Tron, Đồn Biên phòng Nam Du đã cử quân y và hàng chục chiến sĩ phối hợp với Chi đoàn địa phương khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi, tẩm hóa chất chống muỗi cho màn, hướng dẫn bà con vệ sinh nhà cửa thông thoáng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác hại của bệnh sốt xuất huyết, hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách diệt loăng quăng. Chỉ sau một thời gian ngắn, dịch sốt xuất huyết ở khu vực Củ Tron đã được khống chế, bà con ngư dân rất phấn khởi...
Trong chuyến công tác này, tình cờ tôi được chứng kiến cảnh “tái ngộ” nhiều cảm xúc giữa anh Trần Minh Châu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du. Anh Châu (sinh năm 1969, ở phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) là thuyền trưởng, được anh em Biên phòng cứu sống trong vụ chìm thuyền hồi đầu năm 2019. Anh Châu kể, thuyền anh chuyên làm nghề thu mua cá và làm dịch vụ hậu cần, thường chạy từ Rạch Giá ra đảo Thổ Châu và ngược lại. Lúc 3 giờ, ngày 20-3-2019, đang trên đường chạy ra Thổ Châu thì thuyền của anh (có 7 thuyền viên) bị nạn, cách quần đảo Nam Du về hướng Bắc khoảng 5 hải lý. “Tuy đã phát tín hiệu cấp cứu, nhưng hôm đó sóng to, biển động nên không thấy tàu thuyền nào tới ứng cứu, mấy anh em tôi rất lo lắng. Khi mọi người đã nghĩ tới tình huống xấu nhất thì có anh em Biên phòng ra cứu”. Thượng tá Cảnh nhớ lại: “Ngay sau khi nhận được tin báo, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng đơn vị đã cử 12 đồng chí và huy động 7 tàu thuyền của ngư dân ra cứu giúp”. Khi lực lượng cứu nạn tới nơi, chiếc tàu và tính mạng của anh em tôi đang ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nguy cơ tàu bị lật, bị chìm rất cao... Không chỉ cứu được người mà toàn bộ tài sản trên tàu cũng được cứu hộ an toàn. Sau chuyến đó, tôi không đi tuyến Thổ Châu nữa nên mãi đến hôm nay mới có dịp ghé thăm đơn vị, thăm anh em Biên phòng. “Nghĩa nặng tình sâu này dễ gì quên được... ” - Anh Châu nói trong niềm xúc động.
Thượng tá Mai Văn Cảnh cho biết, về mùa mưa, thời tiết ở khu vực quần đảo Nam Du rất phức tạp. Có khi biển đang êm, gió nhẹ, bỗng trời nổi giông gió, sấm chớp ầm ầm nên năm nào cũng xảy ra các vụ chìm thuyền, đuối nước. Mỗi khi bị nạn, người dân lại điện báo cho Đồn Biên phòng Nam Du. Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã cứu nạn thành công 9 vụ chìm thuyền, cứu sống 27 người dân thoát khỏi đuối nước.