Hà Nội là một trong những địa phương đã và đang tích cực triển khai cấp chứng thư số miễn phí cho người dân trên địa bàn (Ảnh: tuoitrethudo.com.vn )
Thương mại điện tử - giải pháp đầu ra cho nông sản Việt
Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT nhằm đa dạng hóa kênh phân phối, giúp các trang trại tiếp cận công cụ hiện đại, xây dựng thương hiệu và giảm rủi ro về giá. Nhiều HTX cho biết, thông qua các sàn TMĐT, sản phẩm của họ tiếp cận được khách hàng trên toàn quốc, được hỗ trợ quảng bá để tiếp cận với các khách hàng và ký kết hợp đồng tiêu thụ. Nhờ hạn chế các khâu trung gian, tiết giảm chi phí, phần lợi nhuận dành cho các HTX, nông hộ cao hơn. Năm 2023, Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn TMĐT. Những hộ nông dân này được Bưu điện Việt Nam miễn phí các loại chi phí lên sàn đồng thời được nhân viên Bưu điện hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử và các chính sách đào tạo, tập huấn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ngày 18/9, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình khai trương gian hàng trưng bày, giới thiệu và kết nối, tiêu thụ nông sản nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tích, kết quả trong sản xuất kinh doanh
Đây là dịp để nông dân có cơ hội học hỏi lẫn nhau và kết nối, tiêu thụ nông sản trong tỉnh, hướng tới giao lưu, trao đổi hàng hóa ra các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Với vai trò và trách nhiệm hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân đã phối hợp với Bưu điện tỉnh kết nối và tiêu thụ nông sản cho nông dân, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT. Qua đó thúc đẩy, quảng bá các sản phẩm OCOP để mỗi người dân, mỗi gia đình được trải nghiệm, sử dụng những sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn chất lượng.
Bình Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Từ năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã ký kết và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng của nông dân lên sàn TMĐT. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 217 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 6 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện đã có hơn 62.000 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật 217 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch TMĐT; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Hội thảo hợp tác phát triển CNTT&TT Việt Nam lần thứ 24
Ngày 22/9, tại TP Quy Nhơn, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển CNTT&TT Việt Nam lần thứ 24 năm 2023 tại Bình Định, với chủ đề “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định”. Hội thảo thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị CNTT-VT trong cả nước tham dự.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT&TT giữa các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước theo xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Xây dựng chính quyền số ngày càng cấp bách
Việt Nam đã qua giai đoạn tin học hóa và số hóa. Đó là giai đoạn ứng dụng CNTT, số hóa các cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc - với đối tượng phục vụ là các cơ quan nhà nước. Năm 2023 là giai đoạn chuyển đổi số đưa tất cả hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường internet với đối tượng phục vụ và thụ hưởng là người dân. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, các địa phương đang gấp rút ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025.
Ngày 15/9, việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 225/KH-UBND, Thanh Hóa là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023-2025. Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch số 308/KH-UBND nhằm xây dựng mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình trong năm 2023. TP HCM là địa phương có lộ trình chuyển đổi từ chính quyền điện tử lên mô hình chính quyền số bài bản và cụ thể. Trên cổng thông tin điện tử của TP HCM, UBND thành phố đã lập một "mini site" chuyên về chính quyền số với các thông tin trực quan và được cập nhật để mọi người dân đều có thể theo dõi. TP HCM xác định giai đoạn 2023-2025, tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính.
Lần đầu tiên, người dân trên địa bàn tỉnh Long An được kết nối việc làm qua ứng dụng Zalo
Đây là một trong nhiều tính năng thiết thực được chính quyền tỉnh Long An xây dựng trong mini app “Long An số” trên nền tảng công nghệ Zalo. Mini app “Long An số” là sản phẩm công nghệ số do Sở TT&TT tỉnh Long An xây dựng và phát hành trên nền tảng Zalo. Để sử dụng, người dân truy cập vào Zalo, tìm kiếm từ khóa và chọn mini app “Long An số”.
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để nâng cao chất lượng phục vụ, Zalo mini app “Long An số” kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền. Đồng thời thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của Long An, mang đến hình ảnh chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại, năng động.
Quảng Ngãi: Chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch về thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chung là nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quảng Ngãi xác định, chuyển đổi số là giải pháp, động lực để địa phương có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, TP khác.
Hà Nội thiếu nhân lực chuyển đổi số. Sau khi ghi nhận nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số trong nửa đầu năm 2023, Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác này trên toàn địa bàn TP nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng về số lượng lẫn chất lượng. Đáng chú ý, tại khối xã, phường, thị trấn ở TP Hà Nội chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT. Thậm chí, báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, CĐS quý I/2023 của TP Hà Nội nêu rõ, nhiều công chức làm CNTT xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng công chức làm CNTT tại các cơ quan nhà nước. Trước những bất cập nêu trên, Sở TT&TT Hà Nội đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ TT&TT xây dựng cơ chế khuyến khích, đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách CĐS, CNTT, an toàn thông tin để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Hà Nội: Trên 46.500 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân
Sở TT&TT Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số của TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, TP đã cấp khoảng 46.594 chữ ký số miễn phí cho công dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.Đơn vị đã chủ trì triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến.Theo đó, đã cấp 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc TP. Phối hợp với 04 doanh nghiệp triển khai cấp chữ ký số tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã từ ngày 03/4/2023. Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, với nỗ lực của các Sở, ngành, quận huyện, cùng sự chung tay của các doanh nghiệp, người dân Thủ đô sớm ứng dụng, sử dụng hiệu quả chữ ký số của mình khi tham gia dịch vụ công và các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, toàn trình.
Ngày 20/9, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái phối hợp với VNPT tỉnh Yên Bái ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số ngành GDĐT, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VNPT Yên Bái và Sở GDĐT tỉnh Yên Bái sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong học tập và giảng dạy, hướng tới chuyển đổi số toàn diện của ngành GDĐT và có thêm nhiều trường học hạnh phúc.
Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2023
Chiều 20/9, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ TT&TT tổ chức khai mạc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2023 cho cán bộ chuyên trách CNTT, thành viên đội ứng cứu sự cố các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là cơ hội để đội ngũ những người làm công tác bảo đảm an toàn thông tin của các sở, ban, ngành của các tỉnh trong khu vực được thực hành thực tế. Qua đó, giúp đội ngũ vận hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tập dượt trước với các tình huống tấn công mạng có thể xảy ra nhằm kiểm soát các nguy cơ, ứng phó với các sự cố để bảo đảm hệ thống thông tin được hoạt động ổn định, được khôi phục nhanh nhất có thể khi xảy ra sự cố.
TP. HCM chủ động cung cấp thông tin những vấn đề tồn đọng đến báo chí
Ngày 13/9, Văn phòng UBND TP HCM tổ chức hội nghị giao ban công tác văn phòng các cơ quan hành chính nhà nước.Tại hội nghị, Chánh văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn đề nghị, văn phòng các cơ quan hành chính nhà nước cần chủ động nắm bắt, tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, tích cực chủ động trong vai trò người phát ngôn của đơn vị. Các cơ quan phải phân công người phát ngôn và cung cấp danh sách gửi Sở TT&TT; thường xuyên rà soát thông tin báo chí phản ánh để kịp thời trả lời hoặc phối hợp với Sở TT&TT, Trung tâm Báo chí TP.HCM cung cấp thông tin cho báo chí.
Đình chỉ hoạt động thông tin báo chí với báo VietnamEuropa tại Việt Nam
Ngày 22/9, Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết, Sở đã phối hợp với Công an tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng với ông Lê Ngọc Dung, Tổng Biên tập Báo VietnamEuropa, đồng thời đình chỉ các hoạt động thông tin, báo chí của tờ báo này tại địa bàn. Theo quyết định, từ năm 2017 đến nay, ông Lê Ngọc Dung là Tổng biên tập Báo VietnamEuropa (Báo cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc) đã có hoạt động thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và nhiều tỉnh, thành trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không có giấy phép của Bộ Ngoại giao, vi phạm nguyên tắc hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, quy định tại Điều 3, Nghị định 88/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh: Đề nghị xử lý Facebooker Vo Quoc vì xúc phạm báo chí
Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến vụ việc Facebook Vo Quoc đăng thông tin xúc phạm báo chí, Sở đang thu thập thông tin và phối hợp cùng các cơ quan chức năng để xử lý. Trước đó, tối 21/9, đầu bếp Võ Quốc đã đăng lên trên nick name Facebook Vo Quoc nội dung bài viết xúc phạm báo chí. Status của Võ Quốc buông những lời chửi bới thiếu văn hóa với nhà báo nói chung. Nội dung trên bị cộng đồng mạng phản ứng mạnh.
Theo Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, liên quan đến vụ Facebook Vo Quoc đăng thông tin xúc phạm báo chí, do hiện nay chưa xác định rõ Vo Quoc đang có địa chỉ cư trú ở đâu và nội dung liên quan đến giới báo chí nói chung nên Sở đã báo cáo với Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT và chuyển các thông tin thu thập được cho các đơn vị chức năng xử lý. Sở sẽ tiếp tục theo sát, phối hợp xử lý khi xác định rõ các thông tin.