Chợ An Thới là điểm đầu tiên triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 – Thanh toán không dùng tiền mặt tại TP.Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang.
Sóc Trăng: Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hợp tác xã
Nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã và người nông dân. Tỉnh đã chú trọng thực hiện định hướng phát triển, tạo thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP sẽ góp phần giúp các chủ thể phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh đặc trưng của địa phương thông qua sản phẩm được xếp hạng sao. Thực tế, khi sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng thì nhiều chủ thể OCOP cho biết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận được đơn đặt hàng cung cấp cho các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh tăng từ 10 đến 40%. Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP.
Hậu Giang: Nỗ lực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT)
Sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, các sàn TMĐT tại Hậu Giang đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, đúc kết được những bài học kinh nghiệm để thúc đẩy nhanh việc đưa sản phẩm của tỉnh lên sàn TMĐT trong thời gian qua.
Với góc nhìn của đơn vị có sàn TMĐT, trực tiếp làm việc hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ nông dân, cơ sở, HTX tham gia sàn TMĐT trong thời gian qua, bà Phạm Thích Chi, nhân viên Bưu điện tỉnh Hậu Giang cho biết: Thói quen bán hàng của các cơ sở, HTX chủ yếu là phương thức truyền thống, với sàn TMĐT còn khá mới, trình độ ứng dụng CNTT chưa đồng đều nên khi đưa sản phẩm lên sàn nhưng tương tác với khách hàng còn hạn chế. Sản lượng của các cơ sở còn ít, các loại đặc sản đông lạnh sẽ gặp rào cản khi vận chuyển xa… Để ứng dụng TMĐT hiệu quả, trong thời gian tới cần có sự đồng bộ, từ khâu truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, vùng nuôi đến liên kết giữa các các hộ sản xuất, tập huấn kỹ năng số và sử dụng các thiết bị di động thông minh nhằm giúp người nông dân tiện lợi hơn trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT.
Hưng Yên: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Hiện nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Vừa qua, Hội Nông dân đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về việc phối hợp triển khai rà soát, thu thập thông tin của 10 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp nhằm cập nhật giới thiệu, bán sản phẩm và mở tài khoản mua hàng trên sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của 2 bên.
Từ việc tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của hội viên nông dân đã được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao với năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. Nông sản của tỉnh được giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.
Lào Cai: Tập huấn kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT Postmart.vn
Sáng ngày 14/9, Sở TT&TT phối hợp với UBND thành phố và Bưu điện tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng số và cách khởi tạo tài khoản, đăng bán sản phẩm trên sàn TMĐT và kỹ năng cần thiết phục vụ bán hàng, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số. Hội nghị tập huấn giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại của khoa học công nghệ. Tại buổi tập huấn, Bưu điện tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn TMĐT nhằm kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm góp phần thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp tại địa phương.
TP. Cần Thơ ra mắt chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt
Ngày 13/9, tại chợ An Thới, VNPT Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức ra mắt chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên tại TP. Cần Thơ. Tại chợ 4.0, khách hàng và tiểu thương có thể mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng thông qua ứng dụng VNPT Money của VNPT. Qua thời gian triển khai thí điểm, chợ 4.0 đã có gần 200 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Money, hơn 700 khách hàng sử dụng ví VNPT Money giúp người dân tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt.
Thái Nguyên: Nhân rộng mô hình Chợ 4.0
Từ thành công tại chợ Trung tâm Đại Từ, mô hình Chợ 4.0 đã được nhân rộng, triển khai ra 12 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 70% số tiểu thương đã tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và được nhân dân ủng hộ. Mô hình Chợ 4.0 đã phát huy hiệu quả, giúp người dân tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số. Theo ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên, đến hết năm 2022 sẽ có khoảng 60 chợ truyền thống được triển khai tại Thái Nguyên theo mô hình Chợ 4.0 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Quảng Nam ban hành danh mục mã định danh điện tử cho đơn vị hành chính
UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định thiết lập danh mục mã định danh điện tử các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam.Mã định danh điện tử của tỉnh Quảng Nam được sử dụng bắt đầu từ tháng 9/2022, để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Việc công bố mã định danh điện tử dành cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một trong những hoạt động trong tiến trình chuyển đổi số của địa phương đến năm 2025
Đà Nẵng: Triển khai sử dụng nền tảng Công dân số
Từ ngày 12/9/2022, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã chính thức triển khai sử dụng nền tảng công dân số - My Portal tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn/; https://myportal.danang.gov.vn; nền tảng cũng đã được tích hợp trên ứng dụng DaNang Smart City. Sau thời gian sử dụng thí điểm, nền tảng công dân số đã có hơn 240.000 tài khoản công dân số. Từ tháng 9/2022, Sở sẽ tổ chức lồng ghép nội dung giới thiệu, hướng dẫn sử dụng nền tảng chuyển đổi số tới người dân, đặc biệt là các tổ công nghệ số cộng đồng.
Bắc Giang chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh
UBND tỉnh Bắc Giang quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh. Đây cũng là ngày Thủ tướng Chính phủ đã chọn là Ngày chuyển đổi số quốc gia. UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang được tổ chức hằng năm vào ngày 10/10 nhằm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 111 ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy Bắc Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có chỉ số đánh giá về chuyển đổi số thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Ngày 21/9 khai mạc Triển lãm ngành in TP Hồ Chí Minh năm 2022
Thông tin về Triển lãm ngành in TP Hồ Chí Minh năm 2022, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết, triển lãm năm nay thu hút 135 đơn vị đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Nét mới của triển lãm năm nay là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo, sản xuất trong lĩnh vực in ấn tại tọa đàm với chủ đề "Chuyển đổi số-Giải pháp kết nối, quảng bá sản phẩm in TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn phục hồi kinh tế". Đây là lần đầu tiên Triển lãm ngành in Thành phố năm 2022 được thực hiện trên nền tảng trực tuyến. Nền tảng sẽ ra mắt từ ngày 21/9 đến ngày 07/10 bên cạnh triển lãm trực tiếp nhằm chào mừng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10.