Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông tuần 37 (từ ngày 09 đến ngày 15/9/2023)

Thứ ba, 19/09/2023 15:18

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 37 (từ ngày 09 đến ngày 15/9/2023).

20230919-A-1.jpg

 Quảng bá các sản phẩm hàng hóa vùng miền thông qua các sàn thương mại điện tử (Ảnh: tuyengiao.vn)

 Đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản miền núi trên sàn TMĐT

Nhằm quảng bá, giới thiệu chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT. Đồng thời, cung cấp thông tin về tình hình tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT, những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa những sản phẩm này lên sàn TMĐT, sáng ngày 15/9, Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023.

 Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT. Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc kết nối, xúc tiến giao thương các sản phẩm đặt trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn TMĐT. 

Khánh Hoà: Phối hợp cấp phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện

Ngày 08/9, Sở Tư pháp và Bưu điện tỉnh Khánh Hòa ký kết quy chế phối hợp về việc hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện. Việc hai đơn vị phối hợp triển khai thực hiện dịch vụ nhằm góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân trong việc hướng dẫn thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và chuyển phát phiếu lý lịch tư pháp đến tận tay người nhận góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước.

Bưu điện Gia Lai lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng dịch vụ

Những năm qua, Bưu điện Gia Lai luôn lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng dịch vụ bưu chính. Bưu điện tỉnh đã thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Trong đó, 1.866 TTHC được thực hiện tại bộ phận một cửa các cấp và 92 TTHC không thực hiện tại bộ phận một cửa các cấp. Bưu điện tỉnh thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các TTHC. Đồng thời, Bưu điện tỉnh cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức chuyển phát và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả dịch vụ công trực tuyến an toàn, đúng quy định. 

Bưu điện tỉnh Kiên Giang: Cầu nối giữa tòa soạn báo và độc giả 

Thực hiện nhiệm vụ phát hành báo, tạp chí của Đảng, Bưu điện tỉnh Kiên Giang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phát hành, kịp thời truyền tải thông tin đến độc giả trên địa bàn tỉnh.Bưu điện tỉnh Kiên Giang xác định công tác phát hành báo, tạp chí của Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng được đặt lên hàng đầu. Để nâng cao chất lượng phát hành báo, trong đó có phát hành báo, tạp chí của Đảng trên toàn hệ thống, Bưu điện tỉnh Kiên Giang rà soát, sắp xếp lại mạng lưới đường thư chuyển phát với mục đích cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, an toàn, kịp thời, hiệu quả.Phát huy vai trò là cầu nối giữa tòa soạn báo và độc giả, Bưu điện tỉnh nâng cao chất lượng khai thác, phát hành hiệu quả hàng triệu tờ báo mỗi năm, góp phần bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến nhân dân. 

Quảng Ngãi: Chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CĐS tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc triển khai thực hiện công tác CĐS và đạt được những kết quả quan trọng. Một số cơ quan, đơn vị đã ứng dụng dữ liệu số trong quản lý, điều hành. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Cổng thông tin điện tử, thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành dùng chung đã triển khai đồng bộ đến cấp xã, liên thông văn bản điện tử giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước, góp phần bảo đảm thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số. 

Tỉnh Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số để kiến tạo nền tảng phát triển

Sau gần 3 năm kể từ khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thành tựu đạt được trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Xếp hạng mới đây của Bộ TT&TT, Thái Nguyên là một trong 10 địa phương trong cả nước dẫn đầu về hạ tầng số. Hạ tầng số được đầu tư đã góp phần để người dân ở những địa bàn khó khăn hình thành thói quen sử dụng hạ tầng và các ứng dụng số trong đời sống hàng ngày. Đến nay, Thái Nguyên đã thành lâp được 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi nhận thức, thói quen sử công nghệ của cộng đồng. Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. 

Sóc Trăng chuyển đổi số toàn diện

Để công tác chuyển đổi số được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Sóc Trăng từ nay đến năm 2025 là ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh phương thức hoạt động, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản trị, điều hành của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, các quyết định quan trọng của chính quyền các cấp đều được thông qua dữ liệu số, các nhu cầu thiết thực của người dân đều được đáp ứng thông qua các nền tảng số. Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng hoàn thành chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực ĐBSCL và cả nước. 

Hà Giang: Tập trung thúc đẩy CĐS, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp

Đến nay, Hà Giang đã kết nối 58/81 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành giúp xây dựng, hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển KTXH một cách bền vững, phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ việc CĐS được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đã làm thay đổi căn bản phương thức sống, làm việc, sản xuất của các tổ chức, cá nhân, nhiều hoạt động thường ngày được chuyển vào môi trường số, từng bước bắt kịp với xu thế phát triển chung, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển KTXH vùng biên cương cực Bắc của tổ quốc. 

Hà Tĩnh tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Tại hội thảo “Chuyển đổi số-Thực trạng và giải pháp” được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày 14/9, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn đã được các chuyên gia về công nghệ tư vấn giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý và tạo ra nhiều giá trị mới. Tại hội thảo, các tham luận đến từ các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp chuyên về nền tảng số, công nghệ số đã đánh giá thực trạng trong việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Hà Tĩnh; bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số; các vấn đề về nguồn lực triển khai và một số khó khăn, thách thức cần vượt qua; trao đổi, giới thiệu những mô hình thành công và những hình thức mới nhằm huy động nguồn lực để triển khai chuyển đổi số toàn dân và toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Xã đầu tiên ở Đức Thọ, Hà Tĩnh triển khai ngày hội chuyển đổi số

Sáng 13/9, UBND xã Tùng Ảnh tổ chức ngày hội chuyển đổi số năm 2023. Đây là địa phương cấp xã đầu tiên của huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh tổ chức ngày hội chuyển đổi số. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã Tùng Ảnh đã hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công, sử dụng dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên cổng dịch vụ công huyện, tỉnh và quốc gia. Ngày hội chuyển đổi số cũng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có điện thoại thông minh cài đặt và sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám sức khỏe từ xa, đồng thời, hướng dẫn người dân cài đặt VssID bảo hiểm xã hội; hướng dẫn cá nhân, tập thể sản xuất kinh doanh nộp thuế điện tử theo hệ thống Etax, tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia. 

Việt Nam khả năng thiếu 150.000 đến 200.000 nhân sự IT mỗi năm

Mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành CNTT (IT) đang tăng lên, song từ năm 2023 - 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư hàng năm.Đây là dự báo trong Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 được TopDev - nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự ngành IT công bố.

Đến 2025, TopDev dự báo Việt Nam sẽ cần 700.000 nhân lực trong ngành CNTT. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 người. Thực tế, số lượng cử nhân IT vẫn tăng cao mỗi năm. Tuy nhiên, thiếu hụt chủ yếu do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra chưa cân bằng. Trong hơn 57.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ khoảng 30% đáp ứng được kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp đặt ra. 

Sở TT&TT Thanh Hoá phản ánh hiện tượng "báo hoá" của tạp chí về môi trường

Theo Sở TT&TT Thanh Hóa, việc các tạp chí cấp giấy giới thiệu cho phóng viên tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí được quy định trong tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí; “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp được ban hành kèm theo quyết định số 1418/QĐ-BTTT ngày 22/7/2022 của Bộ TT&TT.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Sở TT&TT Thanh Hóa đã báo cáo và đề nghị các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản của các tạp chí xem xét chấn chỉnh tình trạng cấp giấy giới thiệu, cử phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích của tạp chí, tạo môi trường lành mạnh và đúng quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí./. 

P.V (tổng hợp)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top