Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ảnh: Báo Yên Bái.
Tỉnh Sơn La chủ trương đẩy mạnh phát triển TMĐT, từng bước xây dựng hệ thống thương mại của tỉnh theo hướng tiện lợi, văn minh, hiện đại
Từ năm 2022, Sơn La đã triển khai đưa các sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến, thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn TMĐT, tổ chức hội chợ trực tuyến, như: Chương trình “Ngày đặc sản Sơn La” trên sàn TMĐT Sendo; hội chợ triển lãm trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn TMĐT PostMart… từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với thị trường trong nước và quốc tế.
Hòa Bình: Hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá, liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó góp phần ổn định đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bưu điện tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho cán bộ, hội viên nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp thiết lập thông tin quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn... giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
Ứng dụng công nghệ giúp nông dân Yên Bái đưa nông sản lên sàn
Sản phẩm miến đao của HTX Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2020. Chiếc điện thoại thông minh là phương tiện hữu hiệu để chị Phùng Thị Tuyền, Giám đốc HTX Việt Hải Đăng giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trên cả nước. Thông qua Zalo, Facebook hay sàn giao dịch TMĐT Voso.vn của Bưu chính Viettel tạo ra nhiều cơ hội cho miến đao Quy Mông đến với khách hàng nhờ kênh phân phối mới, hiệu quả và hiện đại. Không chỉ chị Tuyền mà hàng nghìn hộ nông dân ở tỉnh Yên Bái đã được tiếp cận với các sàn TMĐT để quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông sản của mình đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Chuyển đổi số để phát triển du lịch ở Điện Biên
Chuyển đổi số là một trong những giải pháp nhằm mang lại cơ hội cho ngành du lịch Điện Biên nâng cao năng lực cạnh tranh... Có thể nói, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trong một thời gian dài đã tác động trực tiếp đến thói quen, hành vi của du khách trên toàn cầu. Khách hàng e dè với những tiếp xúc trực tiếp và ưu tiên tìm hiểu, đặt mua tour du lịch qua các kênh điện tử. Đó cũng là lý do mà khách sạn Pharma Hotel, TP.Điện Biên Phủ đã tăng cường đầu tư quảng bá, tiếp cận du khách trên các nền tảng số trong 2 năm qua. Đến nay, các di tích, điểm đến của TP Điện Biên Phủ đang được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan. Với các bảng gắn mã QR, người dân và khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR, dẫn đường link đến website: https://www.dulichdienbien.vn để tìm hiểu về hoạt động du lịch của tỉnh.
Sau 1 năm triển khai đưa vào áp dụng, việc thanh toán bằng mã QR tại chợ Đông Ba bước đầu mang lại hiệu quả, tạo nhiều tiện ích cho người dân và tiểu thương
Chợ Đông Ba là một trong những đơn vị đầu tiên được chọn để triển khai thanh toán số trên ứng dụng Hue-S. Chị Trần Thị Phượng, một tiểu thương chợ Đông Ba chia sẻ, khi bắt đầu triển khai hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR, chị đã khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ tại quầy. “Việc quét mã QR để thanh toán vừa giúp chúng tôi dễ dàng quản lý được nguồn tiền ra vào, vừa tạo điều kiện cho khách hàng có thể thanh toán một cách nhanh chóng mà không cần mang theo tiền mặt”.
Đến Trung tâm y tế đổi giấy phép lái xe: Lợi ích lớn từ việc chuyển đổi số
Đây là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên của Hà Tĩnh thực hiện mô hình chuyển đổi số, hỗ trợ đổi giấy phép lái xe qua mạng cho người dân. Nhận định về tính hiệu quả của dịch vụ, ông Nguyễn Thái Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh cho rằng, việc triển khai dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm y tế là phù hợp với xu thế của thời đại. Khi đến hạn đổi giấy phép lái xe, bước đầu tiên người dân phải đến kiểm tra sức khoẻ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Khi được kết luận đủ sức khoẻ để tiếp tục lái xe thì chỉ cần thao tác trong vòng 5 - 7 phút đã có thể tích hợp dữ liệu trên hệ thống quốc gia và có thể đổi giấy phép lái xe qua mạng cho người dân. Đây là mô hình đột phá trong chuyển đổi số, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số tại TP Cần Thơ tiếp tục có sự lan tỏa mạnh ở các cấp, các ngành, các địa phương
Các ứng dụng nền tảng số phục vụ đời sống xã hội đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng. TP Cần Thơ đã có chuyên trang về chuyển đổi số, với tần suất ít nhất 1 tin, bài/tuần nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về hoạt động chuyển đổi số ở TP. Chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Cổng thông tin điện tử TP được cập nhật tin, bài thường xuyên. kênh Chuyển đổi số Cần Thơ trên Youtube, thường xuyên đăng tải các video clip hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến...là những điểm mạnh giúp Cần Thơ bứt phá về chuyển đổi số.
Sơn La tích cực giúp doanh nghiệp, HTX tiếp cận nền tảng số
Giúp doanh nghiệp, HTX tiếp cận nền tảng số, nhóm tác giả Phan Văn Liêm, Nguyễn Văn Bình, viên chức Trung tâm CNTT và TT, Sở TT&TT đã nghiên cứu Giải pháp “Nền tảng số tạo website cho cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX”. Về ý tưởng nghiên cứu giải pháp, tác giả Phan Văn Liêm chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Trung tâm, nhất là việc quản trị các trang website trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng các nền tảng số, website trong tất cả các lĩnh vực đời sống là hết sức cần thiết, đặc biệt giúp các cơ quan, doanh nghiệp, HTX vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận và giới thiệu sản phẩm, kinh doanh trên nền tảng số dễ dàng hơn. Hiện nay, giải pháp đã áp dụng cho 8 doanh nghiệp, HTX và cơ quan khối nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Zalo mini app - giải pháp giúp người dân và chính quyền gần hơn
Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt chuyển đổi số của một số địa phương như: Tây Ninh, Đồng Nai, Long An khi xây dựng mini app hành chính công trên nền tảng Zalo, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến dễ dàng. Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở TT&TT Tây Ninh cho biết tỉnh nhận thấy việc phát triển mini app trên nền tảng Zalo sẽ thu hút được người dùng nhờ sự tiện lợi, dễ sử dụng và tương tác cao, việc ứng dụng nền tảng này giúp tỉnh giải quyết được câu chuyện “tương tác hai chiều”. Một mặt, người dùng có thể tìm kiếm các thông tin về chính sách, quy định, thông báo từ chính quyền địa phương, vừa gửi phản ánh, góp ý hoặc đề xuất trực tiếp tới các cơ quan chức năng. Mặt khác, chính quyền có thể lắng nghe những mong muốn của người dân một cách trực tiếp và sâu sát hơn. Lãnh đạo nhiều địa phương đánh giá mini app vẫn còn dư địa phát triển và đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời đại số.
Sở TT&TT Đồng Nai lần đầu tiên tổ chức tập huấn trực tuyến theo mô hình chuyển đổi số
Chiều ngày 09/8, Sở TT&TT tổ chức hội nghị bồi dưỡng tập huấn công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử năm 2023 theo hình thức trực tuyến.Giám đốc Sở TT&TT Tạ Quang Trường cho biết, đây là khóa học đầu tiên tổ chức theo hình thức trực tuyến, là bước khởi đầu thay đổi mô hình đào tạo trong xu hướng chuyển đổi số. Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tập trung phát triển trên nền tảng trực tuyến, vừa học trực tuyến vừa họp trực tuyến, dần thay đổi cách thức quản lý, điều hành trong bối cảnh chuyển đổi số.
Quảng Nam vận hành hệ thống phần mềm du lịch thông minh
Xác định tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đồng thời nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, triển khai thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giới thiệu cho du khách thăm quan, tìm hiểu các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, triển khai xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm du lịch thông minh, giúp nâng tầm hình ảnh về tỉnh Quảng Nam với bạn bè, du khách gần xa.
Thái Nguyên: Nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin
Nhằm nâng cao kỹ năng số, phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, Sở TT&TT Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn trên địa bàn. Gần 700 người dân trong độ tuổi lao động ở các địa phương được tập huấn về: Cách khai thác thông tin trên môi trường Internet; sử dụng các ứng dụng công nghệ số VNeID, C-ThaiNguyen, VssID…; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường điện tử…giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về về an toàn thông tin mạng và tự bảo vệ an toàn thông tin cho cá nhân.