Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông tuần 31 (từ ngày 29/7/2023 đến ngày 04/8/2023)

Thứ hai, 07/08/2023 14:06

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 31 (từ ngày 29/7/2023 đến ngày 04/8/2023).

20230807-A-1.jpg

Cán bộ, công chức Hà Nội được tập huấn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới. Ảnh: Linh Hân/qdnd.vn

Sở TT&TT Hà Nội và Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp về công tác quản lý bưu chính trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2023-2025 

Theo nội dung ký kết, Vụ Bưu chính sẽ cùng Sở TT&TT Hà Nội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính cho các doanh nghiệp, các phòng Văn hóa thông tin quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP; hai bên hình thành cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bưu chính đáp ứng tình hình thực tiễn.

Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng 

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh Quảng Ninh tới các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thực hiện chương trình OCOP đến năm 2025, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh tích cực tuyên truyền phát triển sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong và nước ngoài nhằm mang lại cơ hội cho các sản phẩm OCOP Quảng Ninh có mặt tại các thị trường tiềm năng, tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng.

Nghệ An: Kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT Postmart 

Để các sản phẩm nông nghiệp của người dân được khách hàng nhiều nơi biết đến, Bưu điện huyện Tương Dương đã phối hợp với hội nông dân huyện đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT PostMart.vn. Đây là cơ hội giúp nông dân quảng bá và bán nông sản nhanh hơn so với bán hàng truyền thống. Việc đưa hàng hóa lên sàn TMĐT không chỉ giúp người dân có thị trường để tiêu thụ nông sản, áp dụng sự phát triển của số hóa vào sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của huyện Tương Dương ra thị trường lớn hơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bưu điện Sóc Trăng nỗ lực chuyển đổi số

Bà Nguyễn Ngọc Thơ, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thể, trường học và quầy giao dịch hỗ trợ mở hơn 6.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt và 3.640 tài khoản VNeID cho khách hàng. Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy cải cách hành chính tỉnh nhà.

Ngày 29/7, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân và công bố ứng dụng “Dịch vụ công trực tuyến” trên nền tảng Hue-S 

Dịp này, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế ra mắt ứng dụng “Dịch vụ công trực tuyến” trên nền tảng Hue-S. Ứng dụng hỗ trợ chức năng ký số hồ sơ, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; hỗ trợ thanh toán trực tuyến thông qua “Ví điện tử” trên Hue-S góp phần thúc đẩy hoạt động dịch vụ công, tăng tỷ lệ các thủ tục trực tuyến toàn trình của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bình Phước: Chuyển đổi số lấy người dân làm chủ thể, động lực của sự phát triển 

Ngày 28/7, tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số năm 2023. Đây là một trong những giải pháp nâng cao nhận thức toàn xã hội trong chuyển đổi số; tìm giải pháp nâng cao chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sớm được tiếp cận nền tảng số. Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Trong thời gian tới, công tác chuyển đổi số của tỉnh sẽ tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Bắc Giang đề ra các mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số 

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Để đạt mục tiêu, Bắc Giang xây dựng Trung tâm dữ liệu chuyển đổi số theo hướng hiện đại, phát triển hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo kết nối thông suốt 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã, phát triển các nền tảng số gồm nâng cấp, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng nền tảng kết nối dịch vụ số hóa bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo…Đến nay, Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Đưa chính quyền đến gần với người dân nhờ ứng dụng công nghệ số

Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao với trên 75%. Hiện nay, nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã xây dựng ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhằm góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng, tỉnh Tây Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước, đã nghiên cứu và phát triển phiên bản mini app Tây Ninh Smart trên mạng xã hội Zalo. Đây được xem như điển hình tiên phong đổi mới công tác chuyển đổi số trên cả nước.

Công nghệ số đưa Thanh Hoá đến gần hơn với du khách

UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch số 115-KH/UBND về việc “Triển khai thực hiện đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”.Thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp, cung cấp thông tin và giá trị trải nghiệm phục vụ khách du lịch, đồng thời xác định vai trò quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển ngành du lịch, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch đáp ứng nhu cầu cần thiết cho du khách.

Bắc Kạn hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo 

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, chương trình nhằm mục tiêu giúp người dân trưởng thành và các hộ gia đình đang sinh sống tại các xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận với các ứng dụng về thông tin và khoa học công nghệ, các dịch vụ công trực tuyến.Qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, kịp thời cập nhật các thông tin tuyên truyền; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử… từng bước hình thành “xã hội số”, “công dân số”; phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Hà Nội sẽ xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh

Sở TT&TT Hà Nội được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Bộ TT&TT, tham mưu UBND TP chỉ đạo xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Theo đó, các sở ngành liên quan có nhiệm vụ tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành chính sách khuyến khích áp dụng và có lộ trình từng bước áp dụng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định liên quan đến quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, TP thông minh.

Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Thủ Đô

Là một trong những TP đi đầu cả nước về việc thực hiện các chính sách CĐS, Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho công dân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, TP đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, CĐS là vấn đề sống còn. Để thực hiện thành công CĐS, cần thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của người đứng đầu các cơ quan hành chính. Thành công trong CĐS được đánh giá chính xác khi người dân và doanh nghiệp hài lòng về các thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng.

Chuyển đổi số ở Yên Bái: Những bước tiến mạnh mẽ

Tỉnh Yên Bái xác định CĐS là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để một tỉnh nghèo dù “đi sau” nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Giải pháp CĐS quan trọng nhất của năm 2023 tại Yên Bái là "Tổ CĐS cộng đồng”. Nhiệm vụ CĐS đột phá nhất của năm 2023 của tỉnh là "Nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái”. Tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu năm 2023, đưa Yên Bái lọt vào nhóm 25 tỉnh, thành dẫn đầu về CĐS.Theo đánh giá của Bộ TT&TT, chuyển đổi số của Yên Bái đang xếp thứ 27/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, đứng thứ 5/14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng bộ hạ tầng số giúp Quảng Ninh vượt lên trong xếp hạng chuyển đổi số

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả hoạt động của nền hành chính của tỉnh. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Điều này được thể hiện qua việc xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các tỉnh, thành phố. Với điểm số DTI đạt 0,7024, Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 4 hạng so với năm 2021.

Quyết tâm của lãnh đạo tạo nên thành công của chuyển đổi số ở Cần Thơ 

Chia sẻ với về kết quả chuyển đổi số của TP đạt được trong thời gian qua, Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ Huỳnh Hoàng Mến cho biết, để được kết quả xếp hạng 5/63 tỉnh, TP về chỉ số chuyển đổi số năm 2022, địa phương đã nỗ lực rất nhiều ở mọi mặt. TP Cần Thơ hiện có 607 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.417 thành viên. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương, đơn vị trên địa bàn TP đồng loạt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các ứng dụng như cài đặt tài khoản định danh điện tử, Can Tho Smart, thanh toán không dùng tiền mặt… với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Cách làm này đã dần lan tỏa chuyển đổi số đến mọi người dân trong đời sống xã hội.

Quảng Ngãi: Tăng 34 bậc về chỉ số chuyển đổi số 

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, Bộ TT&TT đã công bố kết quả Chỉ số CĐS năm 2022. Theo đó, Quảng Ngãi xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, TP trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021. Trong đó, xếp thứ 17/63 về chính quyền số, xếp thứ 17/63 về kinh tế số và đứng thứ 15/63 về xã hội số. Ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi, cho rằng kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả CĐS đạt được năm 2022 cho thấy những nỗ lực trong việc đưa các thủ tục hành chính lên thực hiện trên môi trường trực tuyến đã cải thiện môi trường hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình xử lý hồ sơ, giấy tờ liên quan mà không phải đến các cơ quan công sở như trước đây 

Thanh Hóa: Truyền thanh cơ sở ngày càng lan toả nhờ chuyển đổi số

Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực ứng dụng CNTT-VT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở. Thực hiện chương trình chuyển đổi số, năm 2021, Đài Truyền thanh xã Đông Minh (Đông Sơn) đã áp dụng CNTT vào vận hành tự động và sản xuất các chương trình truyền thanh trên ứng dụng CNTT-VT.Trưởng đài Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Từ khi được trang bị hệ thống Truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ số gồm máy tính, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, loa 25W, thiết bị tích hợp số hóa và sim 4G, các thông tin được truyền tải nhanh, hiệu quả hơn. Đến nay, hệ thống Truyền thanh thông minh ứng là giải pháp được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, tích cực triển khai thay thế hệ thống truyền thanh truyền thống 

Nam Định nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của đài truyền thanh cơ sở

Thực hiện chương trình thí điểm chuyển đổi số, năm 2022, Đài Truyền thanh thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) đã áp dụng CNTT vào vận hành và sản xuất các chương trình truyền thanh trên các ứng dụng thông minh nền tảng công nghệ 4.0, số hóa các chương trình truyền thanh. Ông Lê Nghĩa, Trưởng Đài truyền thanh thị trấn Mỹ Lộc cho biết: Từ khi được trang bị hệ thống đài truyền thanh thông minh FM IP ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 gồm máy tính, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, loa 25W, thiết bị tích hợp số hóa và sim 4G, thông tin được truyền tải nhanh, hiệu quả hơn. Việc đưa hệ thống đài truyền thanh thông minh với những tính năng hiện đại vào sử dụng như ở thị trấn Mỹ Lộc và các địa phương khác là tất yếu trong xu thế chuyển đổi số nhằm đưa thông tin thiết yếu đến người dân nhanh nhất, đầy đủ và chính xác nhất./.

Hải Nam (tổng hợp)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top