Thái Nguyên khai trương tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh
Hơn 2,7 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được Bưu điện tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận và chuyển phát an toàn
Lào Cai: 50% doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số
Hiện nay, 100% doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Trong đó 50% doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và tham gia TMĐT. Ngành nông nghiệp Lào Cai cũng đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch TMĐT: Postmart, Voso, qua trang tin điện tử “Phiên chợ khuyến nông”; các trang mạng xã hội... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, từ khi ký kết với các sàn TMĐT, đến nay, Trung tâm đã tiêu thụ được 39 tấn mận tam hoa các loại. Lần đầu tiên, quả mận tam hoa Bắc Hà đã có mặt trên sàn TMĐT, mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ, đưa nông sản Lào Cai tiếp cận người tiêu dùng cả nước.
Sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Tĩnhgóp phần xây dựng thương hiệu nông sản
Hiện nay, sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh do Sở TT&TT quản lý, có địa chỉ tại http:/hatinhtrade.com.vn và http://hatinhonline.vn. Sàn giao dịch TMĐT Hà Tĩnh đang duy trì, quản lý hoạt động giao dịch cho hơn 600 doanh nghiệp, hợp tác xã với 320 gian hàng trên sàn. Sàn TMĐT cũng thường xuyên cập nhật tin, bài liên quan đến các chủ trương, chính sách của tỉnh, thông tin sản phẩm; xúc tiến TMĐT, hỗ trợ chương trình OCOP tỉnh xây dựng gian hàng mới; tổ chức các đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trên sàn và fanpage “Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Tĩnh”. Với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT tỉnh góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Hà Tĩnh cũng như làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phát triển công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn.
Bưu điện Quảng Nam hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
Thực hiện chương trình đồng hành và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản địa phương của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Bắc Giang hỗ trợ nông dân tiêu thụ 10 tấn vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang. Ngay sau khi vải được vận chuyển đến Bưu điện tỉnh, đoàn thanh niên Bưu điện tỉnh hưởng ứng triển khai vận chuyển đến các điểm bán trên toàn tỉnh để phục vụ người tiêu dùng. Vải được bán trực tiếp tại các điểm bưu điện và bán trực tuyến trên mạng xã hội, sàn TMĐT Postmart. Bên cạnh việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương, thời gian qua, Bưu điện Việt Nam nói chung và Bưu điện tỉnh Quảng Nam nói riêng còn đẩy mạnh triển khai những hoạt động quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương trên sàn TMĐT Postmart.vn
Hậu Giang ra mắt mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt
Sáng 07/7, tỉnh Hậu Giang đã ra mắt mô hình thí điểm chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vị Thanh, TP Vị Thanh. Đây là mô hình nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, đồng thời hướng đến triển khai áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tại chợ 4.0, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện.
Thời gian tới, các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các chợ trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân quen dần với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời, thực hiện một số hoạt động hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT như Voso, Postmart, thúc đẩy hoạt động bán hàng trên các nền tảng số, thương mại điện tử.
Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin
Sau 2 năm xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, TP. Đà Nẵng tiếp tục tập trung đầu tư phát triển, ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích, giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng thành phố thông minh năm thứ 2 liên tiếp; giải thưởng chuyển đổi số xuất sắc; đứng thứ 3 về chỉ số cải cách hành chính; đứng thứ 4 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đây là những kết quả quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng khi đầu tư tại thành phố. Tại diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có các góp ý, kiến nghị thiết thực, với mong muốn xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển trong lĩnh vực CNTT, công nghệ cao.
Thái Nguyên tích hợp giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công
Ngày 11/7, Thái nguyên tổ chức lễ khai trương tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh. Thái Nguyên là một trong 3 tỉnh, thành phố trên cả nước tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào cổng dịch vụ công.Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cho biết, Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thống nhất dịch vụ chữ ký số từ xa theo Quyết định 769/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT. Việc tích hợp chữ ký số từ xã trên hệ thống công của Thái Nguyên sẽ là hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương khác trên cả nước.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên cho biết: Việc tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công Thái Nguyên sẽ giúp đơn giản hóa việc người dân sử dụng chữ ký số, đồng thời vẫn đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và tính chống chối bỏ của dữ liệu khi được ký số. Nhờ đó, đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên
Đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
Sở TT&TT Vĩnh Phúc đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp bưu chính viễn thông, CNTT đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở, ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, đảm bảo đường truyền thông suốt, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Đây là những hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch số 116 KH-UBND ngày 27/4/2022 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025.
Triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025, hướng đến xây dựng chính quyền số theo chủ trương của tỉnh, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế quản lý, vận hành Trung tâm dữ liệu của tỉnh, việc kết nối, chia sẻ, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng, đảm bảo tiêu chí sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; sẵn sàng hạ tầng triển khai các ứng dụng dùng chung; tăng cường giám sát hiệu quả việc vận hành, khai thác ứng dụng tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các xã ứng dụng CNTT phục vụ quản lý nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Thừa Thiên Huế công bố hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Để góp phần nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh, trong đó có chỉ số về phát triển chính quyền số, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế đã cùng các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp danh sách dịch vụ công trực tuyến. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cung cấp lên Cổng dịch vụ công tỉnh năm 2022. Theo danh mục được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành, trên cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.thuathienhue.gov.vn, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng 1.159 dịch vụ cấp sở, ban, ngành; 150 dịch vụ cấp huyện; 50 dịch vụ cấp xã ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hộ tịch, giáo dục, y tế, công thương...Về hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tại Thừa Thiên Huế, đại diện Sở TT&TT cho biết, tính đến giữa tháng 6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 49% và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt trên 53,5%.