Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông tuần 28 (từ ngày 08/7/2023 đến ngày 14/7/2023)

Thứ tư, 19/07/2023 07:13

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 28 (từ ngày 08/7/2023 đến ngày 14/7/2023).

20230719-A-1.jpg

Bưu điện - Văn hoá xã từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, đã “thay mình” chuyển đổi theo hướng đa dịch vụ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân nông thôn (Ảnh: vietnamnet.vn)

Bưu điện - Văn hoá xã đa dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn

Không chỉ là cầu nối giao tiếp giữa Bưu điện và người dân vùng nông thôn bằng các dịch vụ thiết thực, Bưu điện - Văn hoá xã còn là nơi truyền đạt tri thức, phổ biến những kiến thức, công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế số nông thôn. Từ chỗ chỉ cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo, Bưu điện - Văn hoá xã giờ đã thay đổi với diện mạo mới và đa dịch vụ. Đến Bưu điện - Văn hoá xã, người dân có thể nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, gửi thư từ, hàng hóa, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, mua hàng tiêu dùng, sách, vở, lịch,…. thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Bắc Giang: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp số

Xác định TMĐT đã và đang có tầm ảnh hưởng nhất định, góp phần giúp nông dân tiêu thụ nông sản hiệu quả, Bắc Giang đã có nhiều giải pháp, như: Phối hợp với Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên "Gian hàng Việt trực tuyến" và các sàn TMĐT. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn TMĐT Postmart.vn; trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, zalo… Điều này giúp đưa sản phẩm nông sản Bắc Giang đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Quảng Ninh: Khoa học công nghệ đưa sản phẩm OCOP vươn xa 

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác lợi thế của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh ứng dụng KHCN phát triển nông sản, sản phẩm OCOP, góp phần đưa các sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, đến gần hơn với người tiêu dùng. Theo lộ trình, đến năm 2025, cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. Qua đó, góp phần nâng tầm cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh và tạo tiền đề để các sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở nhiều thị trường tiềm năng.

Vĩnh Phúc tăng cường quản lý thuê bao di động

Hoạt động mua - bán "SIM rác" diễn ra phổ biến, khiến không ít người dân bị làm phiền. Đây là kẽ hở cho tội phạm công nghệ lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước thực trạng trên, Sở TT&TT tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động trên địa bàn. Để công tác quản lý thuê bao di động đi vào nền nếp, Sở TT&TT tỉnh kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các Tập đoàn, các công ty mẹ tiếp tục thực hiện rà soát thu hồi SIM kích hoạt sẵn, đăng ký sai thông tin. Thường xuyên rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp; tuyên truyền đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không thực hiện việc bán SIM kích hoạt sẵn thông tin, kích hoạt sẵn các gói cước theo đúng quy định.

Chuyển đổi số là vấn đề sống còn 

“Từ Chủ tịch UBND TP đến Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, giám đốc sở phải nhận thức được đây là việc sống còn, chuyển đổi số hay là chết, thì lúc đó mới làm được”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh như vậy khi trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI vừa diễn ra. Khẳng định chuyển đổi số là vấn đề sống còn, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh quyết tâm thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của người đứng đầu các cơ quan hành chính nếu muốn chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số không phải mua thêm máy tính, phần mềm tốt mà là cả một quá trình lâu dài. Đó là thay đổi tư duy làm việc trên môi trường số của đội ngũ cán bộ, công chức đến sáng tạo ra quy trình làm việc mới ứng dụng công nghệ. Thành công trong chuyển đổi số sẽ được đánh giá khi người dân và doanh nghiệp hài lòng về các thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng.

Đà Nẵng cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân 

Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, đến tháng 5/2023, hầu hết thủ tục hành chính của thành phố đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, với 1.797 dịch vụ và 1.635 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho biết, thời gian tới các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số sẽ cử cán bộ phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương để cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân. Với việc được cấp miễn phí chứng thư số cá nhân, người dân Đà Nẵng có thể sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác trên môi trường điện tử.

Móng Cái nỗ lực chuyển đổi số

Thực hiện đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030, UBND TP Móng Cái, Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 với ba định hướng trọng tâm là người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ứng dụng công dân số thông minh và phản ánh hiện trường “Móng Cái Smart” là nền tảng số thể hiện sự tiên tiến, phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của TP Móng Cái. Với quyết tâm cao, TP Móng Cái đang tập trung chuyển đổi số toàn diện và xác định đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách để xây dựng và phát triển. Việc chuyển đổi số có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và luôn gắn với sự phát triển thành phố hiện đại, thông minh trong tương lai.

Phú Thọ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số 

Theo ông Lê Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ, chuyển đổi số là một nhiệm vụ mới và là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Phú Thọ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự vào cuộc của cả cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số. Sở TT&TT đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận, khai thác các dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra.

Xây dựng xã hội số: Tập trung vào yếu tố con người

Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. TP đặt mục tiêu đến năm 2025, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công toàn trình; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số. Đến năm 2030, Hà Nội cơ bản trở thành TP thông minh, hiện đại; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 do Bộ TT&TT công bố chiều 12/7, Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, TP trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số (DTI). Cụ thể, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 7 về Chính quyền số, thứ 15 về Kinh tế số và thứ 9 về Xã hội số. Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm triển khai nhiều nền tảng số phục vụ quản lý nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Chuyển đổi số Quảng Ngãi đảo chiều ấn tượng

Sở TT&TT Quảng Ngãi cho biết Bộ TT&TT vừa công bố về chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022, Quảng Ngãi xếp vị trí 26/63 tỉnh, thành, tăng 34 bậc so với năm 2021. Quảng Ngãi là địa phương có mức tăng bậc cao nhất cả nước,xếp thứ 17 về chính quyền số và kinh tế số, thứ 15 về xã hội số. Theo ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở TT&TT, tỉnh có được chỉ số tăng nhanh là nhờ sự quyết liệt và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong công tác chuyển đổi số. Nhờ tuyên truyền tốt nên người dân hiểu và phối hợp với chính quyền giải quyết công việc trên nền tảng số, từng bước hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

YenBai-S - kênh thông tin tương tác quan trọng giữa chính quyền và người dân

Theo phản ánh của nhiều người dân Yên Bái, các nội dung phản ánh kiến nghị của người dân về vấn đề môi trường, vi phạm giao thông hay những vướng mắc phát sinh trong cuộc sống hàng ngày kiến nghị lên YenBai-S đều được các cơ quan chức năng tiếp thu và trả lời kịp thời. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng công dân số YenBai-S, sau vài thao tác, người dân, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh hiện trường, câu hỏi về dịch vụ công, kiến nghị giải quyết thủ tục hành chính kèm theo hình ảnh đến chính quyền thuộc 30 lĩnh vực khác nhau góp phần phục vụ công tác điều hành kinh tế, xã hội, phục vụ người dân tốt hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Hướng tới sự hài lòng và hạnh phúc của người dân”.

TPHCM xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch, TPHCM tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức và hành động về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân; xây dựng nguồn nhân lực hoạt động về an toàn thông tin, an ninh mạng, tập trung tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh, phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc TPHCM.

Cảnh báo lừa đảo cài ứng dụng mạo danh cơ quan, tổ chức nhà nước

Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, gần đây xuất hiện thủ đoạn đối tượng xấu quảng cáo, nhắn tin, lừa người dân cài đặt ứng dụng mạo danh các cơ quan, tổ chức nhà nước như: Tổng cục thuế, Bảo hiểm xã hội VN… để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo.Công an tỉnh Tuyên Quang đề nghị người dân chỉ cài đặt phần mềm trong các kho ứng dụng chính thống, không tải ứng dụng từ đường link lạ. Cần tìm hiểu kỹ khi quyết định cài đặt ứng dụng, truy cập vào các trang web, fanpage chính thức của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Đồng thời, cần sớm gỡ bỏ các ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc.

Quảng Trị: Các cơ quan báo chí đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam cho biết, thực hiện công tác chủ quản đối với Báo Quảng Trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Báo Quảng Trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sự kiện và các ngày kỷ niệm lớn diễn ra trên địa bàn.Việc đổi mới, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí được chú trọng thực hiện. Việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Hải Nam (tổng hợp)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top