Quang cảnh Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về chuyển đổi số và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Thái Bình
Nỗ lực đưa đặc sản chè Thái Nguyên lên sàn thương mại điện tử
Bên cạnh đó, khách hàng trong và ngoài nước đã biết đến sản phẩm chè của các đơn vị. Khách hàng cũng dành nhiều lời khen cho sản phẩm vì thông tin rõ ràng, minh bạch về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. HTX chè Tuyết Hương từ 8 người sáng lập nhiều năm trước, nay có thêm có 29 hộ liên kết sản xuất. Hai năm nay, HTX thay đổi nhờ sản phẩm chè được Bưu điện, Viettel Post đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.
34 địa phương lập hơn 27.000 Tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi số
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến ngày 14/6, cả nước có 34/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 27.218 Tổ công nghệ số cộng đồng với 130.487 thành viên tham gia nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi số bằng các nền tảng số. Để hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia chuyển đổi số, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến cuối tháng 5, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 2.256 Tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 17.000 thành viên. Là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay Lạng Sơn đã lập 1684 tổ công nghệ cộng đồng với 7.777 thành viên. Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã có những đóng góp quan trọng vào chuyển đổi số địa phương, nhất là phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Triển khai tốt chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình
Phát biểu tại Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về chuyển đổi số và đề án 06 năm 2022, Chủ tịch UBND Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số và là nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra cơ hội bứt phá phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo và còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Với sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm cao, tỉnh sẽ triển khai tốt các nhiệm vụ về chuyển đổi số, đề án 06 góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ cho phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình trong thời gian tới.
Nam Định xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội
Vừa qua,tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho 3500 đại biểu là Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp chính quyền. Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, kiến trúc của nền tảng chính quyền điện tử tại Nam Định đã bước đầu được hình thành. Cơ sở hạ tầng CNTT được tăng cường đầu tư, hoạt động ổn định, hiệu quả. Các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là việc riêng của chính quyền. Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đều phải chung tay tham gia vào quá trình chuyển đổi số để mang lại hiệu quả cao. Mỗi tổ chức, cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Bí thư Phạm Gia Túc nhấn mạnh người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền tất cả các cơ quan, đoàn thể phải vào cuộc thì chuyển đổi số mới thành công. Tuyên truyền về chuyển đổi số cần được đẩy mạnh đến mỗi đảng viên, công chức, viên chức và người dân để Nghị quyết chuyển đổi số của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống.
Quảng Ninh: Phấn đấu sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện
Thực hiện kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay 13 địa phương, 100% các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do người đứng đầu làm trưởng ban. Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mặc dù các sở, ban, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực trong thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên đến nay mới có 39/51 nhiệm vụ được triển khai. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm và chuyển đổi số trên địa bản tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng CNTT, viễn thông còn bất cập, có sự thiếu đồng bộ. Hệ thống thông tin thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung…
Với mục tiêu phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Lạng Sơn áp dụng quy trình mới trong sử dụng, khai thác nền tảng cửa khẩu số
Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn đã được khởi động xây dựng từ tháng 7/2021 trên 2 nguyên tắc: Tuân thủ tuyệt đối quy định nghiệp vụ của tất cả các ngành tham gia tác nghiệp tại cửa khẩu; tối đa việc số hóa các quy trình nhằm đem lại giá trị lớn nhất cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Nền tảng cửa khẩu số giúp tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo; cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo quy định mới, tỉnh Lạng Sơn đã tách riêng quy trình nhập khẩu và xuất khẩu nhằm tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng nền tảng số. Đến nay, 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu đã được lực lượng chức năng kiểm tra, xác nhận trên nền tảng cửa khẩu số.
Chuyển đổi số ở Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh
Trước xu thế phát triển, hội nhập, đổi mới công tác quản lý điều hành nhằm nâng cao hoạt động của tổ chức, cuối năm 2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quab báo chí và Cổng thông tin điện tử tổng hợp. Mô hình của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cũng là mô hình hợp nhất được thí điểm đầu tiên trên cả nước, được đại diện 30 địa phương trên toàn quốc đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Theo ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, khi mới thành lập Trung tâm có 22 đầu mối, hiện giờ tinh gọn lại còn 14 phòng ban. Việc đào tạo lại các phóng viên, cộng tác viên đã đạt kết quả ấn tượng. 70% phóng viên có thể tác nghiệp đa phương tiện, nhanh chóng thích ứng mô hình hoạt động mới. Trung tâm đã đặt ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây sẽ là những cán bộ phóng viên có khả năng tác nghiệp bằng các phương tiện số hiện đại, nhanh chóng./.