Hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án OCOP năm 2022. Trọng tâm của Đề án là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ máy móc, thiết bị, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và những sản phẩm tiềm năng để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Các hoạt động ứng dụng CNTT và đưa các sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT sẽ được đẩy mạnh, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Postmart.vn cùng nông dân Lai Châu chuyển đổi số
Lai Châu đang nỗ lực đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tăng lượng tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước. Một trong những giải pháp được quan tâm là đưa nông sản lên sàn TMĐT Postmart.vn. Theo thống kê của các đơn vị, đến nay toàn tỉnh đã có 43 sản phẩm OCOP mang tính đặc thù và đại diện cho địa phương đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đồng hành thực hiện chuyển đổi số, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh đang giúp sức cho nông dân Lai Châu thay đổi tư duy bán hàng truyền thống. Từ đó, chủ động đưa nông sản lên sàn TMĐT với số lượng lớn và giá cả ổn định. Đồng thời, giải quyết được vấn đề được mùa - mất giá. Sàn thương mại điện tử không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý vùng miền mà còn có thêm nhiều cơ hội để kết nối, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của người dân.
Hải Phòng phấn đấu “lọt” top 10 về hạ tầng viễn thông trên toàn quốc
Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến hết năm 2021, Hải Phòng có khoảng 82,31% tỷ lệ người sử dụng Internet (xếp thứ 7 toàn quốc); 74,82% tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh (xếp thứ 9 toàn quốc); 32,55% hộ gia đình có máy tính (xếp thứ 6 toàn quốc); 77,17% hộ gia đình có cáp quang FTTH (xếp thứ 9 toàn quốc); 77,52% số thuê bao băng rộng di động/100 dân (xếp thứ 13 toàn quốc), 9,75% người dân chỉ có FP (xếp thứ 19 toàn quốc).
Do đó, hạ tầng cũng như đầu cuối sử dụng mạng băng rộng cố định của Hải Phòng đang cao hơn so với mạng băng rộng di động. Để “lọt” top 10 về hạ tầng viễn thông trên toàn quốc, Hải Phòng cần cải thiện chất lượng mạng băng rộng di động cũng như có các giải pháp tăng nhanh nhu cầu tiêu dùng data trên mạng di động của người dân. Đặc biệt, tỷ lệ người dân chỉ có FP trên địa bàn thành phố đang ở mức cao nên cần có giải pháp chuyển đổi sử dụng điện thoại thông minh cho người dân
Đột phá từ chuyển đổi số ở Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với kinh nghiệm, lợi thế và nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực. Chuyển đổi số đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã quen với việc sử dụng phần mềm khai báo thuế, phần mềm kế toán, chữ ký số… mang lại nhiều tiện ích trong hoạt động. Doanh nghiệp đã chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng số hóa để thích ứng với thực tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước.
Bình Phước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn 1231/UBND-KGVX về triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tổ công nghệ số cộng đồng do UBND cấp xã quyết định thành lập. Mỗi xã sẽ thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi thôn, ấp, khu phố thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng với những thành viên có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tại Bình Phước đã ứng dụng các giải pháp CNTT, tự động hóa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kinh tế số, động lực tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh
Kinh tế số được xem là động lực tăng trưởng trong tương lai của TP Hồ Chí Minh với nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, thành phố cũng đối mặt với nhiều thách thức trong chiến lược phát triển, nhất là khó khăn về nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, hạ tầng số… Hiện, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số là vấn đề rộng lớn, để triển khai thành công, ngoài vấn đề về chi phí, công nghệ, quan trọng nhất chính là sự phù hợp và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đơn vị. GS Jason Potts, Giám đốc điều hành Trung tâm đổi mới Blockchain, Trường Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: Dù TP Hồ Chí Minh có lợi thế về nguồn cung nhân lực được đào tạo qua các kênh khác nhau, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực và cơ cấu đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển doanh nghiệp, nền kinh tế số hiện tại.
Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nghiên cứu ứng dụng CNTT trong hành chính công
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) diễn ra tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số với 2 địa phương là Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Theo đó, VINASA và chính quyền hai địa phương sẽ phối hợp tổ chức các nhóm hoạt động trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số tại từng địa phương theo đặc thù cụ thể; đào tạo, tư vấn, hợp tác tổ chức các sự kiện, phản biện các đề tài, chương trình về chuyển đổi số, thành phố thông minh; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số và xúc tiến các hoạt động kết nối đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế; hợp tác xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao về CNTT.
Gần 700 cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa, cán bộ giải quyết thủ tục hành chính của Điện Biên được tập huấn về sử dụng hệ thống thông tin thủ tục hành chính và số hóa thủ tục hành chính
Hệ thống thông tin thủ tục hành chính và số hóa thủ tục hành chính của Điện Biên đã tiếp nhận và xử lý 300.352 hồ sơ, trong đó mức độ 3 là 84.336 hồ sơ, mức độ 4 là 62.645 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 96%. Hiện nay hệ thống đã được nâng cấp hệ thống lên phiên bản mới 2.0.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, từ ngày 02 đến 04/6/2022, Sở TT&TT tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị tập huấn cho gần 700 cán bộ, công chức về sử dụng hệ thống thông tin thủ tục hành chính phiên bản 2.0 và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bị xử phạt vi phạm hành chính
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn, Thanh tra Sở TT&TT Thanh Hóa đã phát hiện Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và sáng tạo trong thời gian qua có một số bài viết thực hiện không đúng nội dung trong giấy phép số 347/GP-BTTTT do Bộ TT&TT cấp ngày 19/7/2017. Căn cứ quy định xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở TT&TT Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và sáng tạo số tiền 22,5 triệu đồng. Trong thời gian tới, Sở TT&TT Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT tại Công văn số 4854/BTTTT-CBC ngày 26/11/2021 về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật, tình trạng “báo hóa” tạp chí, tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí trên địa bàn./.