Điểm tin địa phương - ngành Thông tin và Truyền thông, tuần 21 (từ ngày 21/5 đến ngày 27/5/2022)

Thứ hai, 30/05/2022 13:50

Thông tin hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 21 (từ ngày 21/5 đến ngày 27/5/2022).

  20220530-m02.jpg

Công an phường Thanh Bình (TP Điện Biên Phủ) hướng dẫn nhân dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: nhandan.vn)

Khai trương Festival số trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam trên sàn TMĐT Postmart

Ngày 28/5/2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Sơn La và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức khai mạc Festival số trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam trên sàn TMĐT Postmart. Đây là lần đầu tiên diễn ra Festival trái cây và sản phẩm OCOP trên môi trường số. Hội Nông dân và các Bưu điện tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức 63 gian hàng số đại diện cho 63 địa phương trên cả nước tại sàn TMĐT Postmart.vn. Tính đến nay đã có hơn 1.400 sản phẩm là đặc sản vùng miền của các tỉnh như các loại trái cây tươi, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch được giới thiệu tại các gian hàng số sẵn sàng phục yêu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong dịp này, Bưu điện Việt Nam sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi dành riêng cho khách mua hàng trực tiếp tại Festival hoặc mua online trên sàn TMĐT Postmart với mức giảm giá cước chuyển phát lên đến 50%.

Bưu điện Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ mận và nông sản Sơn La

Ngày 21/5/2022, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản và Lễ khởi hành đoàn xe đưa xoài, nông sản Sơn La vào hệ thống phân phối và xuất khẩu. Đại diện Bưu điện Việt Nam cùng hơn 200 doanh nghiệp và một số kênh phân phối trong nước đã tham gia Hội nghị. Theo ông Phan Trọng Lê, Giám đốc sàn TMĐT Postmart.vn, trong 2 năm qua, Bưu điện Việt Nam đã chủ động, kết nối tiêu thụ nông sản tại các địa phương và đẩy mạnh hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn, qua đó, giúp bà con nông dân, các hợp tác xã xây dựng hướng đi mới trong tiêu thụ sản phẩm. Tại Hội nghị này, Bưu điện Việt Nam đã đặt mục tiêu tiêu thụ 1.000 tấn mận tại 63 Bưu điện tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sàn Thương mại điện tử Postmart.vn sẵn sàng cho vụ mùa vải thiều Bắc Giang 2022

Sáng 25/5, đại diện sàn Thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam đã tham gia Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang với hơn 60 điểm cầu trong nước, 13 điểm cầu quốc tế là những thị trường tiềm năng về tiêu thụ vải thiều như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Thái Lan, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Theo ông Phan Trọng Lê - Giám đốc sàn TMĐT Postmart.vn, năm 2022, Sàn TMĐT Postmart.vn dự kiến tiêu thụ ít nhất 4.500 tấn vải thiều và cả các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Để đảm bảo chất lượng vải tốt nhất đến tay người tiêu dùng, bên cạnh hệ thống kho lạnh sẵn có, Bưu điện Việt Nam sẽ bố trí container lạnh tại các tỉnh, thành phố trong suốt mùa vải. Trong kế hoạch dài hạn, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ kết nối với các sàn TMĐT quốc tế, đưa quả vải thiều Bắc Giang nói riêng cũng như các sản phẩm nông sản tươi ngon, chất lượng đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Lạng Sơn thử nghiệm tắt sóng 2G

Theo Sở TT&TT Lạng Sơn, hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới viễn thông đã phủ khắp từ trung tâm tỉnh đến thôn, bản, khối phố hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lạng Sơn chỉ còn 4 trạm 2G độc lập, các vị trí trạm khác đều đã có sóng 3G và 4G. Việc đề xuất tắt sóng 2G trong năm 2022 nhằm đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, góp phần chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cửa khẩu số… Từ kết quả thử nghiệm tắt sóng 63 trạm 2G, Lạng Sơn đề xuất thời gian tới sẽ cho tắt sóng 2G tại địa bàn thành phố, thị trấn để đẩy nhanh phổ cập smartphone, tiến tới 100% người dân ở độ tuổi trưởng thành có smartphone. Kế hoạch phát triển hạ tầng số của Lạng Sơn cũng đã xác định năm 2022 sẽ phát triển mỗi mạng di động có 5 trạm BTS 5G. Đề nghị Bộ TT&TT xem xét, bổ sung Lạng Sơn vào danh sách các địa phương thí điểm thử nghiệm 5G.

Khánh Hòa và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ký thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số

Theo đó, Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ, tư vấn thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, xây dựng hạ tầng viễn thông, triển khai mạng 5G. Viettel tham gia hỗ trợ UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ phát triển chính quyền số, đề xuất, giới thiệu giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, bưu chính, thương mại điện tử; đề xuất các nền tảng thông minh cho ngành y tế, giáo dục, du lịch...đồng thời cam kết việc tư vấn, giới thiệu và triển khai cho tỉnh Khánh Hòa các công nghệ, giải pháp, thành tựu mới nhất trong chuyển đổi số. Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh tiếp cận các doanh nghiệp, tổ chức khoa học có kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức về xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh.

Kết quả chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân Lạng Sơn

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, chuyển đổi số có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh và tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân. Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Lạng Sơn đã đưa ra sáng kiến gắn thương hiệu địa phương để có thể nhân rộng toàn quốc, đó là mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng và cửa khẩu số. Hoạt động của Tổ công nghệ cộng đồng góp phần làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình. Mô hình này đã được Bộ TT&TT phổ biến để triển khai thí điểm nhân rộng trong toàn quốc thành Tổ công nghệ số cộng đồng. Nền tảng cửa khẩu số có thể nhân rộng cho các tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhằm phục vụ việc quản lý, điều hành và phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như đời sống người dân.

Hơn 3.100 doanh nghiệp tại Thái Nguyên sẽ được đánh giá mức độ chuyển đổi số

UBND tỉnh Thái Nguyên đã có kế hoạch triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn với quy mô khác nhau có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Truyền thông, tuyên truyền; tổ chức đánh giá, xác định chỉ số chuyển đổi số cho doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và tổ chức mạng lưới tư vấn kinh tế số, chuyển đổi số doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số; tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn về chuyển đổi số.

Điện Biên thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đề nghị, trong năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh phải tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường tiến tới nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm. Với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số toàn dân, tỉnh Điện Biên sẽ nghiên cứu việc thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn để làm lực lượng nòng cốt triển khai chuyển đổi số ở cấp cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, huy động các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đà Nẵng tổ chức Hội thảo: "Đô thị thông minh- kinh nghiệm của một số nước và tầm nhìn Đà Nẵng"

Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị với những mô hình quản trị và xây dựng hạ tầng đô thị thông minh để Đà Nẵng học tập, ứng dụng. Ông Đỗ Công Nguyên, Cố vấn cơ sở hạ tầng Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP.HCM cho biết, để xây dựng thành phố thông minh cần có một hệ sinh thái thông minh. Như ở Vương quốc Anh, họ xác định 4 trụ cột chính của hệ sinh thái là: Nhà nước, chính quyền, khối tư nhân cung cấp công nghệ dịch vụ và các học viện, hiệp hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến quản trị và vận hành đô thị thông minh, những kinh nghiệm thực tế xây dựng đô thị thông minh tại các quốc gia phát triển, ứng dụng các lợi thế của công nghệ nhằm đưa ra các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng trong tương lai. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề ra các giải pháp đột phá trong việc giải quyết những vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong công tác phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay.

Hà Nội tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước khi ứng dụng công nghệ thông tin

UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn số 1538/UBND-NC về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, nguy cơ và các vụ việc lộ bí mật nhà nước, các vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, ngăn chặn, xử lý. Đặc biệt, cần tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước khi ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng: Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến và sử dụng nhân lực có khả năng quản lý, khai thác hiệu quả nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước, nhất là tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật, trên hệ thống mạng internet.

Bạc Liêu chấn chỉnh công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Để hạn chế tình trạng cung cấp thông tin cho báo chí thiếu khách quan, thiếu toàn diện, không chính xác, ngày 25/5/2022, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có công văn số 1755/UBND về chấn chỉnh công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng, người phát ngôn của các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp theo quy định pháp luật; khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, người có trách nhiệm xem xét việc cung cấp thông tin, bảo đảm quyền được thông tin từ cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên; đồng thời bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí được cấp phép.

Sở TT&TT Thanh Hoá ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam

Ngày 18/4/2022, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng bài “Thanh Hóa: Yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản, Công ty Tân Thành 9 vẫn cố tình vi phạm?”. Tuy nhiên,kết quả kiểm tra, xác minh của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho thấy, nội dung bài viết có nhiều thông tin sai sự thật.

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 8, Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, Thanh tra Sở TT&TT Thanh Hoá đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam số tiền 7,5 triệu đồng; đồng thời, yêu cầu Tạp chí thực hiện ngay việc cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật về báo chí.

Hải Nam (tổng hợp)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top