Thăm một gia đình nông dân Mỹ
Gia đình này đã 5 đời làm nông nghiệp và đã thành lập công ty. Công ty có 600ha đất nhưng chỉ có 4 người làm, tất cả dùng máy móc thay cho con người. Điều đó cho thấy công nghệ có vai trò quyết định như thế nào trong sản xuất nông nghiệp. Với 600ha đất ở nông thôn Việt Nam thì bạn biết cần bao nhiêu nhân công rồi đấy. Rồi nào là HTX, ban chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ...
Cây trồng chính là ngô (cây trồng cần nhiều dinh dưỡng từ đất) và đậu tương (cây trồng bổ sung dinh dưỡng cho đất) được gieo luân phiên. Mọi người trong gia đình làm và hưởng lương theo kết quả làm việc của mình thông qua cổ tức theo cổ phần đóng góp, rất công khai.
Việc hình thành công ty bắt đầu từ kết quả của quá tình tích tụ đất. Sau khi kinh tế phát triển, những người nông dân không muốn làm nông nghiệp vào thành phố ở và bán ruộng cho những người thích làm nông nghiệp ở lại làm kinh doanh và chuyển thành doanh nhân nông nghiệp.
Việc sản xuất ở đây được cơ giới hoá toàn bộ từ làm đất, gieo hạt, tưới nước, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến và bảo quản theo một chu trình khép kín với những máy móc hiện đại và được ứng dụng công nghệ mới nhất (4.0). Ví dụ, sử dụng máy bay gắn camera xác định màu sắc cây trồng bằng hình ảnh trên đồng ruộng để đưa ra biện pháp bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.
Tức là, qua phân tích màu sắc lá cây ngô, đậu tương để cho cây "ăn, uống" như thế nào cho đủ, cho hợp lý. Chứ không như tập quán làm nông nghiệp của mình, là cứ đến ngày ấy, tháng ấy thì bón phân, thì tưới nước mà chẳng biết cây trồng có "đói, khát" không?
Tại Đan Mạch, ngay từ năm 1999, tôi đã thăm một hộ nông dân có 230ha trồng lúa mì và cây cải dầu chỉ có 4 người vận hành (trong đó có một công nhân đa-zi-năng, một kỹ sư, 1 quản lý kế toán và một cô chủ). Họ làm nông một cách đủng đỉnh chứ không tất bật như người nông dân của Việt Nam mình, sáng dậy đi làm còn chưa tỏ mặt người, tối về khi đã nhọ mặt.
Cánh đồng cải dầu của họ đến mùa hoa cải nở vàng, đẹp miên man như một bức tranh. Đúng là một bức tranh thiên nhiên khổng lồ, điểm xuyết trên màu vàng hoa cải là những ngôi nhà gỗ châu Âu tuyệt đẹp, những chiếc máy làm cỏ, phun thuốc. Người nông dân như những họa sĩ phết màu. Họ làm nông nghiệp một cách sáng tạo, như người nghệ sĩ thực thụ vậy mới có năng lượng, nhiệt huyết chứ.
Nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu?
Tôi muốn mở đầu cuộc trò chuyện với các nhà báo bằng những mẩu chuyện mà chính tôi đã trải nghiệm sau hàng chục chuyến công tác, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp tại rất nhiều quốc gia khắp năm châu bốn biển, nó như thế đấy. Thú vị lắm. Mỗi chuyến đi với tôi mở rộng ra tầm nhìn, với bao kinh nghiệm làm nông nghiệp.
Cái ta khác họ là điều kiện tự nhiên, diện tích đất đai, nhưng quan trọng hơn là tư duy, tầm nhìn và trách nhiệm của những người làm nông nghiệp với cả xã hội. Nông nghiệp làm ra cái ăn đưa vào miệng của 6, 7 tỷ người, trách nhiệm lớn lao lắm chứ. Ăn những thực phẩm sạch, hữu cơ, giàu năng lượng thì con người mới đảm bảo sức khẻo, tái tạo sức làm việc và tiếp tục sáng tạo ra của cải, vật chất, sáng tác ra những tác phẩm tinh thần phục vụ xã hội, và ngược lại.
Nhìn lại lịch sử thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Có thể tạm chia như sau: Thứ nhất là cuộc cách mạng máy hơi nước; thứ hai là cuộc cách mạng cơ giới hóa; thứ ba là cuộc cách mạng tự động hóa và thứ tư là cuộc cách mạng số hóa.
Nếu bỏ qua cuộc cách mạng máy hơi nước xuất phát từ châu Âu, thì nền nông nghiệp Việt Nam đang cùng lúc đứng ở ba cuộc cách mạng gồm cơ giới hóa, tự động hóa và số hóa. Nói thế để thấy, trong khi nhiều nước đã và đang giải bài toán của cuộc cách mạng số hóa thì ở ta, nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay ở cuộc cách mạng cơ giới hóa.
Bằng chứng là ở nhiều vùng quê hiện nay vẫn còn tình trạng cả làng đi cấy, do việc ứng dụng máy cấy còn khá hạn chế. Gần đây, giá nhân công cao, người ở quê đổ hết ra thành thị làm thuê thì máy cấy, máy gặt mới nhiều. Chẳng thế mà rất gần đây, Bộ NN-PTNT, các tỉnh vẫn đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, và những chính sách như vậy vẫn rất cần ít nhất trong hàng chục năm nữa.
Còn việc ứng dụng các dây chuyền tự động hóa trong nông nghiệp thì mới chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp lớn, đầu đàn, họ không nghĩ ra đâu, và cũng chẳng tội gì phải nghĩ mà đi nhập thẳng thiết bị từ nước ngoài về lắp ráp. Nói thế để thấy, có những tập đoàn nông nghiệp Việt Nam trình độ không thua kém những nước phát triển, nhưng số đó chưa nhiều.
Ở cuộc cách mạng lần thứ ba này, chúng ta còn thụ động và chưa nhận thức được hết những tác động cũng như vai trò của nó. Bởi vậy, Nhà nước chưa có chính sách, cơ chế hữu hiệu để thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng các dây chuyền tự động hóa vào sản xuất, do đó quá trình này diễn ra tự phát và thiếu tính định hướng.