Dẹp loạn Trang thông tin điện tử tổng hợp: Ứng xử của báo chí: Không thể chần chừ!

Thứ năm, 09/01/2020 10:37

Công nghệ bùng nổ, nhiều trang web, trang tin tổng hợp hiện nay cũng “làm báo” chạy theo công nghệ, sống “ký sinh” trên lưng những phóng viên, những tờ báo chính thống. Nhiều bài viết chưa ráo mực, phóng viên đi làm về chưa ráo mồ hôi, vừa đăng lên đã bị các trang tin ăn cắp, xào xáo một cách trắng trợn...

 20200109-Nam-4.jpg
LTS: “Báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp là hiện trạng trang thông tin điện tử tổng hợp xây dựng giao diện, tổng hợp, cập nhật tin bài như báo chí, chuyên nhặt nhạnh thông tin giật gân, câu view khiến cho độc giả nhầm tưởng là các báo điện tử. Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp liên kết với báo chí để hợp pháp hóa nguồn tin, tự sản xuất tin, bài, dọa dẫm doanh nghiệp để ép quảng cáo. Vi phạm quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Một số trang thông tin điện tử tổng hợp lấy bài từ báo hoặc các trang thông tin điện tử khác nhưng không xin phép... Đó là một số những biểu hiện vi phạm của các trang thông tin điện tử tổng hợp đã được “điểm mặt” thời gian qua. Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 3825/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/10/2019 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo ký gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố, về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Công văn của Bộ TT&TT đưa ra 6 nhóm giải pháp cấp bách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhanh chóng và kiên quyết chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp.
 

Trang tin hoạt động như báo chí - Thực trạng nhức nhối!
 
Ai cũng biết rằng, việc đưa tin của cơ quan báo chí đòi hỏi hàng đầu là sự kịp thời, khách quan, trung thực, đa chiều và có kiểm chứng. Có lẽ vì thế, các tòa soạn báo chính thống đều quán triệt cho phóng viên của mình không được “làm báo salon”, xa rời thực tế. Một phóng viên có nghề và có tự trọng không thể là người chỉ ngồi “vợt” tin người khác rồi xào xáo biến thành của mình. Họ phải dấn thân trong nỗi vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để có được tác phẩm báo chí đúng nghĩa, phục vụ bạn đọc. 
 
Nhiều báo điện tử đã ra đời ở Việt Nam, hoạt động theo đúng tôn chỉ, phục vụ công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, theo chuyên môn, lĩnh vực ngành..., với đội ngũ cán bộ, phóng viên tận tâm với nghề nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tờ báo, đặc biệt là trang tin điện tử núp bóng công ty truyền thông, lại hoạt động theo kiểu bát nháo, bất chấp các quy định của pháp luật. Những trang tin này ngang nhiên “xào” tin, “đạo” bài, ăn cắp thông tin của những tờ báo chính thống, vi phạm luật nghiêm trọng. Nhiều khi, trò đạo bài, xào tin của những trang web này thô thiển, trơ trẽn đến mức… chẳng giống ai. Vì không có chuyên môn hoặc có nhưng vô trách nhiệm, đội ngũ “xào xáo viên” của những trang web này khi ăn cắp bài của báo khác trên mạng về, cũng muốn thể hiện nó là “đứa con tinh thần” của mình nên đã gọt đầu, gọt đuôi một cách vô lối, khiến nhiều tin bài bị biến dạng. Nhiều trường hợp các đoạn video, các hình ảnh đã được đóng dấu logo khẳng định bản quyền, còn bị xóa rồi đóng dấu logo của trang tin đó lên. Thậm chí một số trang còn đóng dấu logo đè lên logo của tờ báo giữ bản quyền thông tin, hình ảnh đó. Lại có nhiều trường hợp, đội ngũ xào xáo viên này loại bỏ những chi tiết mang tính tích cực của sự việc, rồi phịa ra nhiều tình tiết ly kỳ, theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”, cốt sao tạo ra những tít bài, những dòng giới thiệu thật câu khách để thu hút lượng đọc, và đích cuối cùng là làm ra lợi nhuận từ quảng cáo…
 
Theo thống kê sơ bộ, trên cả nước đang có hơn 840 cơ quan báo chí đang hoạt động, hầu hết trong số này đều tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, đăng tải các thông tin tích cực về mọi mặt của cuộc sống cũng như truyền tải có hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng “báo hóa” của nhiều trang tin điện tử tổng hợp đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của các cơ quan báo chí chính thống.
 
Trên thực tế, với số lượng hơn 1.600 trang tin điện tử được cấp phép, khâu quản lý nhà nước đang gặp phải rất nhiều bất cập khi tình trạng trang tin hoạt động như một cơ quan báo chí là khá phổ biến nếu không muốn nói là tràn lan. Nhiều trang tin trong số này còn cố tình mập mờ về mặt khái niệm với báo điện tử, tạp chí điện tử khi sử dụng tiêu đề trang chủ, tên miền có các từ như Báo, Tạp chí, Tin tức, News, Online… từ đó khiến người đọc không thể phân biệt, dễ gây hiểu lầm về tính chính thống của trang tin.
Không chỉ đánh tráo khái niệm về tên gọi, một số trang tin điện tử tổng hợp còn xây dựng hoặc thậm chí là sao chép y nguyên giao diện của các tờ báo điện tử. Sau đó dẫn lại các bài viết tiêu cực, gây sốc... từ các báo khác nhằm thu hút người đọc, qua đó kiếm về doanh thu quảng cáo. Điển hình cho tình trạng này là việc mới đây Sở TT&TT Hải Phòng đã phát hiện ra 4 trang tin điện tử (quandoinhandan.org; doisongphapluat.com; baocongluan.com; congluanviet.com) sử dụng tên miền quốc tế cũng như giao diện giống gần như y hệt các cơ quan báo chí như báo điện tử Quân đội nhân dân, báo Đời sống và Pháp luật, báo điện tử Công Luận. Đáng chú ý, không ít thông tin trên những trang giả mạo này là tin giả, dễ gây hiểu nhầm cho người đọc.
 

Nghiêm trọng hơn là tình trạng trang tin điện tử tổng hợp “hành” DN gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cụ thể, để “lách” Luật, nhiều trang tin đã chủ động liên kết với cơ quan báo chí để hợp pháp hóa nguồn tin, sau đó tự sản xuất tin, bài nhằm dọa dẫm DN để ép quảng cáo. Thậm chí, nhiều trang tin dẫn nguồn từ báo điện tử nhưng không gỡ bài khi báo gốc đã gỡ nhằm mục đích ép buộc DN được đề cập trong bài viết phải đổi quảng cáo hoặc chi tiền thì mới chịu gỡ bài.
20200109-Nam-5.jpg
Một số trang tin còn in thẻ phóng viên, làm giấy giới thiệu cho nhân viên của mình đến các cơ quan, ban ngành, DN để tìm hiểu tình hình hoạt động nhưng thực chất là mời chào quảng cáo, tuyên truyền. Nếu không thực hiện được mục đích ban đầu, những trang tin này sẽ dọa dẫm viết bài “đánh” đơn vị. Ngoài ra không thể không kể đến tình trạng vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, khi các trang tin điện tử tổng hợp ngang nhiên lấy bài từ các báo khác nhưng không hề xin phép.
 
Thêm nữa, trong những năm qua, một số kẻ cơ hội chính trị, phần tử bất mãn với chế độ ở trong nước cấu kết với thế lực từ bên ngoài lợi dụng tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí để lập ra những website, blog, facebook, fanpage “tự xưng” là trang thông tin của một số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và một số ban, bộ, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thống kê của cơ quan chức năng Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua đã phát hiện được 193 tài khoản giả mạo, 159 tài khoản thường xuyên có nội dung thông tin nói xấu, đơm đặt, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo cao cấp và tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
 
Các website, blog, facebook, fanpage mạo danh thường được thiết kế theo dạng trang thông tin chuyển tải tin tức, có nhiều chuyên mục với bố cục rõ ràng, cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng. Thời gian đầu, các trang mạng này muốn lôi kéo và tạo được sự tin cậy của người đọc nên chủ động đăng tải, chia sẻ những thông tin kịp thời, chính xác như các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử chính thống của các cơ quan, tổ chức đã được cấp phép tên miền trên internet. Nhưng càng về sau và đến một lúc nào đó đã tạo được niềm tin của người đọc, chủ nhân của các trang mạng mạo danh này có thể cài bẫy một vài thông tin thật - giả, đúng - sai mập mờ theo kiểu “đánh lận con đen” nhằm làm rối nhiễu thông tin, phân tâm dư luận xã hội. Đó là một “đòn đánh” vào tâm lý người đọc rất tinh vi, thâm độc để lèo lái vào mục đích tuyên truyền lệch lạc, nguy hại. “Lộng giả thành chân”, kiên trì “biến giả thành thật”, thậm chí có những hành vi giả dối được lặp đi lặp lại, tái diễn thường xuyên, liên tục để lôi kéo sự nhẹ dạ, cả tin của người khác, khiến người khác tưởng là thật. Do đó, mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người đọc, nhất là giới trẻ trong việc tiếp cận, tìm kiếm những thông tin trên các trang mạng giả mạo các tổ chức, cơ quan và cán bộ lãnh đạo cao cấp, đều có thể bị “sập bẫy” vào mưu đồ xấu độc từ chủ nhân của các trang mạng này.
 
Nói về thực trạng trên, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Đã đến lúc cần tăng cường quản lý các trang tin điện tử tổng hợp bởi biện pháp quản lý tiền kiểm qua cấp phép hiện tại đã bộc lộ những hạn chế.
 
Đáng chú ý, nhóm các DN hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp thường có nhiều sai phạm nhất, thậm chí tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí và thường liên kết với một báo nào đó để rửa nguồn.
 
Những trang này nhìn vào giao diện, nội dung, chuyên mục không khác gì một báo điện tử. Tình trạng báo hóa, rửa nguồn, viết bài “đánh” DN chủ yếu xảy ra ở nhóm này... Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, thay vì những biện pháp xử phạt chưa đủ sức răn đe mạnh như hiện nay, trong thời gian tới, nếu trang tin điện tử tổng hợp nào vi phạm trước tiên sẽ treo tên miền nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, sau đó mới tiến hành các biện pháp xử lý sau.
 
Quyết tâm dẹp loạn!
 
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó yêu cầu tạm dừng cấp phép. Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử nhận định, tình trạng báo hóa, rửa nguồn, viết bài “đánh” doanh nghiệp chủ yếu xảy ra tại một số trang thông tin điện tử tổng hợp có ý thức tuân thủ pháp luật kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra 6 nhóm giải pháp cấp bách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhanh chóng, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Cụ thể từ ngày 1/11, tạm dừng cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với nhóm đối tượng là các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí để rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trang tin điện tử tổng hợp vi phạm; sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý. Các Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, thống kê số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp đã cấp phép. Nếu trang thông tin điện tử tổng hợp đang hoạt động sử dụng tên trang, tên miền có những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như báo, tạp chí, tin, tin tức, news, times, online, daily… thì tổ chức, doanh nghiệp sở hữu trang phải thay đổi tên trang, tên miền cho phù hợp. Các Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kế hoạch để khắc phục tình trạng trên và gửi về Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử giám sát. Các trang thông tin điện tử tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, đường dẫn bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo.
 
Bộ này cũng yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp phải có thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan báo chí (không chấp nhận thỏa thuận miệng) về việc cho phép trang thông tin điện tử tổng hợp được dẫn lại tin bài. Văn bản thỏa thuận trích dẫn nguồn tin phải nộp về cơ quan cấp phép trước ngày 15/11. Sau thời hạn nói trên, nếu trang thông tin tổng hợp nào tổng hợp tin, bài từ nguồn tin không có thỏa thuận bằng văn bản, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định.


An Huy (congluan.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top