Đến năm 2030, Bắc Giang cần khoảng 6.300 lao động ngành bán dẫn

Thứ sáu, 27/12/2024 13:20

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, dự báo thời gian tới, doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp trong tỉnh, do đó nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành này sẽ tăng lên.

Đến năm 2030, Bắc Giang cần khoảng 6.300 lao động ngành bán dẫn - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hana Micron Vina.

Dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, ngành Bán dẫn tại Bắc Giang có nhu cầu tuyển khoảng 6.300 lao động; trong đó, lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động; lao động phổ thông là 5.100 lao động.

Công nghiệp bán dẫn hiện nay đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời đại số. Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn nên tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung chỉ đạo đảm bảo các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc ngành này đến tỉnh thực hiện đầu tư.

Tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất về chất bán dẫn, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Si Flex Việt Nam vốn đầu tư của Hàn Quốc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Synergie Cad Việt Nam vốn đầu tư của Pháp. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành Công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 người; trong đó, lao động người nước ngoài là 175 chuyên gia; 707 lao động có trình độ đại học; 75 lao động có trình độ cao đẳng; 74 lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp và 6.343 lao động phổ thông.

Theo Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang Nguyễn Xuân Ngọc, do công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế. Do vậy, lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra.

Doanh nghiệp đều phải đào tạo lại từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc. Sau khi được đào tạo (khoảng từ 1 đến 3 tháng), lao động có thể nắm bắt được công việc nhưng vẫn cần sự giám sát của quản lý và chuyên gia kỹ thuật. Sau khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, lao động mới thành thạo và có thể làm việc độc lập, chủ động trong công việc.

Ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng phòng nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina cho biết, một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực chất bán dẫn khan hiếm. Dây chuyền sản xuất của công ty toàn bộ là dây chuyền sản xuất tự động tiên tiến nhất, vì thế yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ công nhân thao tác cũng rất cao. Công ty đang có nguồn nhân công thao tác cơ bản khá ổn định. Tuy nhiên, để đáp ứng được nguồn nhân lực chủ chốt cho ngành chất bán dẫn, công ty cần nguồn nhân lực chất lượng được đào tạo bài bản, có hiểu biết chắc chắn về ngành.

"Hiện tại, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, kêu gọi nguồn nhân lực các tỉnh khác về Bắc Giang làm việc tại các khu công nghiệp. Đây là những chính sách thiết thực và cần thiết cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Mạnh Chiến chia sẻ.

Đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, Công ty TNHH Hana Micron Vina đã liên kết với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt Hàn đào tạo các lớp làm quen về quy trình và công nghệ chất bán dẫn. Đến nay, công ty đã đào tạo được một khóa học đầu tiên với 90 sinh viên và sẽ tiếp tục đào tạo các khóa tiếp theo. Các lớp này đều được kỹ sư có tay nghề cao và các quản lý dây chuyền có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp. Đồng thời, công ty cũng có kế hoạch liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp mở thêm một lớp chất bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực.

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hỗ trợ đào tạo cho 3.000 nhà giáo, sinh viên tham gia học trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) ở trong và ngoài nước; đào tạo cho 3.500 lao động trình độ cao đẳng; trên 5.000 lao động trình độ trung cấp. Cùng đó, tỉnh đào tạo và hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 8.500 lao động học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, AI.

Sở cũng đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025 - 2030; trong đó tập trung thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI.

Phương Thúy (TTXVN)
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top