Hiện nay, có khoảng 90% cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trên 60% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được trang bị máy tính phục vụ công việc. Bên cạnh đó cũng chú trọng việc xây dựng mạng nội bộ, mạng diện rộng và kết nối Internet tại các cơ quan, đơn vị. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan đảng, nhà nước đã hoàn thành giai đoạn 2, kết nối được với các sở, ngành, quận, huyện.
Việc cung cấp thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Đến nay tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã có trang/cổng thông tin điện tử và cơ bản đã cung cấp thông tin theo quy định tại điều 28 Luật CNTT. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được thực hiện trên trang/cổng thông tin điện tử, tuy nhiên chủ yếu là cung cấp dịch vụ ở mức độ 1,2 (chiếm 99% tổng số dịch vụ công trực tuyến) và chỉ có 1% cung cấp ở mức độ 3, 4.
Về phát triển nguồn nhân lực CNTT đã được chú trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 698/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT ngày càng được cải thiện, tuy vậy nói chung vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng các văn bản pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo tính tương thích về hệ thống công nghệ trong các cơ quan nhà nước. Tuy vậy, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các Bộ, ngành tiến độ xây dựng còn chậm và chưa gắn kết các hệ thống thông tin nên việc chia sẻ thông tin còn hạn chế.
Theo báo cáo, một trong những hạn chế của việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước trong thời gian qua là kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn hẹp, chưa tương xứng với vai trò của ứng dụng CNTT có thể mang lại, tiến độ cấp phát kinh phí còn chậm, chưa có nguồn thu cho ứng dụng CNTT.
Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước quy mô chủ yếu còn nhỏ lẻ, phần lớn các ứng dụng CNTT chuyên ngành, quy mô quốc gia tạo nền tảng cho Chính phủ điện tử mới được triển khai thí điểm, chưa được triển khai trên diện rộng.
Về đầu tư cho ứng dụng CNTT, Nghị định 64 quy định ưu tiên bố trí ngân sách và khuyến khích sử dụng các nguồn khác. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản pháp lý cho việc đầu tư ứng dụng CNTT, tuy vậy kinh phí cho việc triển khai còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tiến độ cấp phát chậm đặc biệt ở các địa phương có khó khăn về kinh phí. Theo báo cáo, mức vốn được bố trí thực tế chỉ đáp ứng chưa đến 10% so với nhu cầu của các nhiệm vụ, dự án.
Tổng hợp các ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện Nghị định của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy các nội dung trong Nghị định vẫn còn phù hợp, tạo môi trường pháp lý cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai các nội dung Nghị định để phát triển Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính trong tình hình mới.
Cần tập trung xây dựng các văn bản pháp lý chuyên sâu từng lĩnh vực để khắc phục khó khăn, vướng mắc, trước hết là vấn đề đảm bảo kinh phí cho ứng dụng CNTT và quy định về quy trình xử lý trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn triển khai các dự án quy mô quốc gia tạo nền tảng cho ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, đặc biệt là các dự án nêu tại Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 1605/QĐ-TTg.
Để triển khai ứng dụng CNTT có hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp phải chịu trách nhiệm về kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong phạm vi quản lý của mình.