NKT bị nhiều hạn chế
Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), nghiên cứu do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) thực hiện nhằm cung cấp các bằng chứng, dữ liệu thúc đẩy sự hòa nhập của NKT trong quản trị công, góp phần đảm bảo quyền được sống độc lập và tôn trọng nhân phẩm của NKT.
Để tìm hiểu về mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với trên 1.600 NKT, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là hoạt động thí điểm trước khi mở rộng phạm vi nghiên cứu trong các năm tiếp theo.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: "Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững hướng tới việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau, bằng cách hỗ trợ tất cả những ai có nhu cầu và đang cần giúp đỡ. Để hiện thực hóa cam kết này, chúng ta cần thêm nhiều dữ liệu chi tiết để thấu hiểu về nhu cầu và trải nghiệm của các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có cộng đồng người khuyết tật".
"Việc thực hiện nghiên cứu, làm sâu sắc thêm hiểu biết và xúc tiến các hành động cụ thể sẽ tiếp tục minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người, hướng tới một xã hội hòa nhập và công bằng".
Theo kết quả nghiên cứu, các TTHC công dành cho NKT còn nhiều rào cản, đặc biệt là trong vấn đề cấp giấy xác nhận khuyết tật cũng như trợ cấp khuyết tật. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng dịch vụ công (DVC) như bệnh viện và giao thông công cộng còn cần nhiều cải thiện để thân thiện hơn với NKT. NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh - tâm thần là các nhóm còn gặp đặc biệt nhiều khó khăn trong tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện TTHC và sử dụng DVC.
Mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở còn thấp và có sự chênh lệch về giới và dạng khuyết tật, chỉ 34,4% người trả lời có tham gia vào các hội/nhóm/tổ chức xã hội. Tỷ lệ người trả lời không tham gia bầu cử HĐND và Đại biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử gần nhất còn khá cao, ở mức 47,1%. Hai yếu tố lớn nhất cản trở NKT tham gia bầu cử là khả năng di chuyển tới địa điểm bầu cử và tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử. Trong số những người không tham gia bầu cử, có tới 27,7% người trả lời không tham gia bầu cử vì không tự di chuyển được tới điểm bầu cử và 24,3% không được thông báo về cuộc bầu cử. NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh - tâm thần là những nhóm còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin.
Với TTHC công, 21% người tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thực hiện TTHC tại địa phương, đặc biệt là nhóm NKT dạng nghe nói. Gần 1/5 số NKT chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, 86,1% người trả lời cho rằng các khoản trợ cấp không đủ để đáp ứng cho chi phí sinh hoạt tối thiểu của một NKT. Hơn một nửa số người trả lời không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.
Những khuyến nghị
Về DVC, các phương tiện và công trình công cộng vẫn chưa dễ tiếp cận với NKT, chỉ 1/3 người tham gia khảo sát cho biết phương tiện công cộng tại địa phương dễ sử dụng. Dịch vụ khám chữa bệnh tuyến huyện được người trả lời đánh giá khá tốt, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng bệnh viện cần được cải thiện để thân thiện hơn (trang bị thang máy, đường dốc và nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn cho người đi xe lăn). Sau đại dịch COVID, gần 40% người trả lời đặc biệt quan tâm nhiều nhất đến dịch vụ sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu thí điểm đưa ra một số gợi ý cho thời gian tới:
• Cần minh bạch thông tin về tiêu chí, quy trình cấp giấy xác nhận khuyết tật và trợ cấp khuyết tật.
• Cần có những hỗ trợ phù hợp để NKT có thể thực hành quyền bầu cử, thực hiện các TTHC công thuận tiện hơn (ví dụ, như lựa chọn hoặc cải tạo các điểm bầu cử đảm bảo tiếp cận; hỗ trợ làm tại nhà với những trường hợp NKT nặng/đặc biệt nặng cần trợ giúp).
• Cần đầu tư nhiều hạ tầng/cơ sở vật chất hòa nhập hơn nữa để NKT có thể tiếp cận được với các DVC và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí; đặc biệt, bảo vệ quyền lợi của NKT dạng nghe nói, trí tuệ và thần kinh - tâm thần.
• Đi kèm với cung cấp hạ tầng/cơ sở vật chất hòa nhập, NKT cần được cung cấp kiến thức/hướng dẫn sử dụng các hạ tầng đó.
• Các chính sách hòa nhập NKT cần quan tâm đầy đủ đến đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm dạng khuyết tật khác nhau để đảm bảo không nhóm nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận thông tin.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ nhóm những người yếu thế nói chung và NKT nói riêng./.