Để công nghệ trở thành một mũi tấn công đại dịch

Thứ ba, 18/05/2021 09:45

20210518-m02.jpg

Chống dịch bằng công nghệ: Chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc

Trước sự bùng phát mạnh của Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch. 

Khác với những đợt dịch trước đây, thay vì chỉ khuyến khích, các địa phương đang dần chuyển sang chiều hướng buộc người dân phải tuân thủ trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ phòng, chống Covid-19.

Để làm được điều này, nhiều địa phương đã ban hành các công điện khẩn với những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể, thiết lập hệ thống giám sát, đồng thời ràng buộc trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.

Tại Hà Nội, Thành phố đã yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR và ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch. Đặc biệt, tất cả người dân khi quay trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đều phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng QR Code.

Hà Nội cũng yêu cầu người dân khi đi, đến (check in, check out) những địa điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. 

Đây là cách lưu lại “mốc dịch tễ” của người dân để truy vết người nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone. 

Với Bắc Ninh, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở TT&TT tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng và khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI, Bluezone hoặc website tokhaiyte.vn. Nhờ vậy, lượng người sử dụng Bluezone tại Bắc Ninh đã tăng lên và đẩy tỉnh này vào top 5 địa phương tải Bluezone nhiều nhất. 

Sở Y tế Bắc Ninh cũng nhận được yêu cầu phải tăng cường ứng dụng CNTT để tìm kiếm, xác định các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Sở TT&TT Bắc Ninh còn thiết lập các “điểm kiểm dịch” và buộc người đi đường phải quét mã QR để khai báo y tế tại 4 chốt kiểm soát ở những vị trí tiếp giáp tỉnh. 

Tại một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh là Bắc Giang, Sở TT&TT tỉnh này đã triển khai hệ thống phần mềm phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.

Trong bối cảnh phải căng mình đối phó với dịch bệnh, Bắc Giang cũng đã đưa hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) vào vận hành khai thác. Sáng 17/5, Tiểu ban điều trị Covid-19 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cũng đã tổ chức hội chẩn một số ca bệnh nặng thông qua hệ thống này. 

Cùng với Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Kon Tum, Lâm Đồng... cũng đã và đang triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc hỗ trợ phòng, chống dịch. 

Liên thông tối đa, “vá lỗ hổng” dữ liệu bản khai y tế

Vẫn còn đó những kẽ hở trong bộ giải pháp chống dịch Make in VietNam. Điều này có thể nhận thấy qua vụ việc của ông Thanh Hacinco. Đó là khi người dân lợi dụng lỗ hổng của hệ thống y tế và không tự giác cài đặt, khai báo. Trước thực tế này, “mắt xích” đầu tiên cần hiệu chỉnh là phải hệ thống hóa lại khâu dữ liệu. 

Trao đổi với Pv. VietNamNet, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết, đối với khai báo y tế toàn dân, người dân có thể khai báo qua 3 ứng dụng là NCOVI, Bluezone và Vietnam Health Declaration. 

Dữ liệu khai báo từ các ứng dụng này hiện đang được lưu trữ tại 2 nơi khác nhau. Cụ thể, dữ liệu bản ghi y tế của Vietnam Health Declaration được lưu tại Viettel. Trong khi đó, dữ liệu khai báo của người dân trên Bluezone và NCOVI lại được lưu tập trung tại Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT). 

Sau khi được thu thập, dữ liệu về bản khai y tế sẽ được xử lý bởi CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) các tỉnh, các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền (VD: cảng hàng không, cơ sở khám chữa bệnh…).

Các dữ liệu này sau đó sẽ được sử dụng để kiểm soát, phân tích dữ liệu và phục vụ công tác truy vết các ca bệnh. Đối với địa phương, để thuận tiện cho công tác quản lý, CDC các tỉnh có thể khai thác dữ liệu khai báo y tế, xem được toàn bộ thông tin bao gồm cả lịch trình di chuyển.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, nhiều đơn vị hiện vẫn sử dụng song song cả khai báo giấy lẫn khai báo điện tử. Trước thực trạng dữ liệu bản khai y tế vẫn còn phân tán, Cục CNTT (Bộ Y tế) đang làm việc với các đơn vị để thúc đẩy liên thông dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về khai báo y tế.

Để việc liên thông dữ liệu khai báo y tế được trôi chảy hơn, ban chỉ đạo phòng dịch đã họp, và đi đến thống nhất rằng, các bản khai y tế của người dân trên ứng dụng Bluezone, NCOVI và Vietnam Health Declaration sẽ được quản lý, khai thác tập trung tại Bộ Y tế.

Trong một nỗ lực khác, cơ quan chức năng sẽ thiết lập số hotline (đường dây nóng) tiếp nhận thông tin phản ảnh khai báo y tế. Ngoài ra, các đội tình nguyện viên cũng sẽ được tổ chức để hướng dẫn người dân nếu gặp khó khăn trong việc khai báo y tế.

Cùng với động thái “vá lỗ hổng” dữ liệu đầu vào, còn một “lỗ hổng” lớn hơn mà các cơ quan chức năng cần “vá” lại. Đó chính là ý thức cộng đồng. Điều này chỉ có thể thành công nếu các địa phương đưa ra yêu cầu buộc người dân phải nghiêm khắc thực hiện các giải pháp chống dịch bằng công nghệ.

 

Trọng Đạt (https://premium.vietnamnet.vn)
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top