Để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ bảy, 19/06/2010 20:51

Có lẽ chưa có bao giờ các doanh nghiệp lại được báo chí quan tâm như trong thời buổi kinh tế thị trường. Đồng thời, có lẽ cũng chưa có bao giờ mà các doanh nghiệp lại cần, thân thiết và cả “ngại ngần” với báo chí như hiện nay…

img

Báo chí coi doanh nghiệp như một đối tượng đặc thù trong hoạt động tác nghiệp đưa tin và phục vụ hàng ngày của mình. Với hơn 700 cơ quan báo chí trong nước, hầu như ấn phẩm nào cũng có chuyên mục, chuyên trang, số phát hành nào cũng có chí ít một vài bài, tin, ảnh  liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống mọi mặt của doanh nghiệp và doanh nhân.

Cơ quan báo chí nào phát hành với số lượng bản lớn nhất hầu như trên thực tế đều ít nhiều nhờ đến sự mở rộng phân khúc khách hàng là các doanh nghiệp hay tổ chức kinh doanh có liên quan…

Nhiều báo lớn có kinh nghiệm và uy tín đều có chiến lược nghiêm túc nhất quán và hữu hiệu quan hệ khách hàng và đối tác là các doanh nghiệp hay tập đoàn doanh nghiệp lớn.

Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí, lãnh đạo và phóng viên báo chí sau nhiều năm và nhiều chiến dịch, sự kiện gắn bó,  phục vụ đắc lực cho cộng đồng  doanh nghiệp, còn được coi là “người nhà” của nhiều doanh nghiệp có thành công, được doanh nghiệp “nuôi” và “chiều chuộng” thông qua những hợp đồng quảng cáo vàng, những chế độ đãi ngộ, sự ân sủng và nhiều biểu hiện "sự biết điều " đặc biệt khác.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng có chiến lược đầu tư phát triển thị trường và quan hệ khách hàng với sự trợ giúp không thể thiếu và đắc lực của báo chí và các cơ quan truyền thông đại chúng “cánh hẩu”.

Nói cách khác, nhiều cơ quan báo chí góp phần “làm đẹp” cho doanh nghiệp. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp trở thành “sân sau” hay nhà tài trợ lớn của báo chí…

"Quyền lực" của báo chí trong đời sống kinh tế-xã hội nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng trong kinh tế thị trường hiện nay cũng dễ gây ra một số tác động mặt trái cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả xã hội, từ những ngộ nhận hay lạm dụng của giới báo chí.

Đó có thể là hiện tượng coi thường doanh nghiệp và bạn đọc khi bài báo đưa tin thiếu khách quan, thiếu chính xác và thiếu kiểm chứng do thiếu trách nhiệm hay nghiệp vụ yếu. Thậm chí có một vài tờ báo và phóng viên ngấm ngầm hoặc công khai phối hợp cùng  “đánh hội đồng”, dùng thông tin và nghiệp vụ để “bắt nạt” hoặc “làm tiền” doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “có vấn đề” hay “không biết điều’, thiếu chơi đẹp với mình...

Hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” như vậy đã được minh chứng qua nhiều vụ án được xử và công bố trong thời gian qua. Ngược lại, cũng có hiện tượng doanh nghiệp mượn tay báo chí và phóng viên thực hiện những phi vụ lạm dụng, lừa đảo đối tác, khách hàng, thậm chí cả cơ quan quản lý các cấp, thông qua những hợp đồng viết bài “khen” hoặc quảng cáo, “bốc thơm” doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp quá mức, sai thực tế…

Để quan hệ báo chí và doanh nghiệp ngày càng gắn bó và phát huy tác động tích cực, giảm thiểu các tác động mặt trái, cần sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm của các bên hữu quan, nhất là chú ý đến các khía cạnh sau:

-    Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực thi các  chính sách và quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin của các công dân,  cơ quan báo chí và doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cũng như các cơ quan quản lý các cấp trong đời sống kinh tế-xã hội, trong đó lấy sự bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tiến bộ xã hội theo các cam kết hội nhập, là mục tiêu cao nhất và nhất quán khi thiết kế và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan.

-   Các cơ quan báo chí cần coi trọng nhận thúc đúng đắn hơn sứ mệnh và quan điểm phục vụ, hài hoà hơn các góc độ thông tin, và cân bằng hơn quyền lợi với trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và đột phá hiệu quả, thiết thực hơn trong  hoạt động, nâng cao chất lượng phóng viên và các thông tin liên quan đến doanh nghiêp, nhằm giảm thiểu những lạm dụng và yếu kém về nghiệp vụ, gây tổn hại đến uy tín báo chí, quyền lợi chính đáng của bạn  đọc và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

-   Các doanh nghiệp cần chú ý chủ động công tác thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu và trả lời các thông tin báo chí, cũng như  coi trọng chính sách nghiên cứu thị trường với sự hỗ trợ ngày càng to lớn của thông tin báo chí các loại.

-  Nghiên cứu thành lập thêm và vận hành hiệu quả hơn những định chế  và cách thức phối hợp quan hệ và hoạt động đa dạng và thích hợp giữa các hiệp hội nhà báo với các hiệp hội doanh nghiệp các cấp độ và quy mô, tạo thuận lợi cho các hoạt động của cả các cơ quan báo chí, cũng như các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong hoạt động của mỗi bên, vì lợi ích hợp pháp của mỗi bên, cũng như  của xã hội; xây dựng những giải thưởng cần thiết chính thức khuyến khích và tôn vinh các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động này…/.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top