Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị
*Hơn 200 nghìn LĐNT được học nghề
Tổng cục Dạy nghề cho biết: Từ 2010-2012, triển khai Đề án 1956 các tỉnh, thành trong khu vực đã tổ chức dạy nghề cho hơn 235.360 LĐNT(120.220 người học nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ 51%, 49% học nghề phi nông nghiệp).Trong 6 tháng năm 2013, các địa phương cũng đã dạy nghề cho hơn 58.339 lao động. Đối tượng được hỗ trợ học nghề chủ yếu là người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật… Hiệu quả của Đề án 1956 cho thấy: 225.095 người học xong, có hơn 180.779 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Gần 8.000 người thuộc hộ nghèo, sau học nghề đã thoát nghèo, chiếm 21,1% so với số người nghèo tham gia học nghề; 8.671 lao động sau học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức trung bình các hộ dân trong vùng.
Tính đến hết tháng 6/2013, các địa phương đã lựa chọn, phê duyệt danh mục 897 lượt nghề đào tạo(377 lượt nghề nông nghiệp, 520 lượt nghề phi nông nghiệp). Các nghề đào tạo thường xuyên được rà soát, cập nhập, điều chỉnh để tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề dành cho LĐNT phù hợp. Có 44.180 người học xong được doanh nghiệp tuyển dụng; 17.397 lao động được các doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; 116.686 người tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn trước; 3.526 người sau khi học xong đã thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ…
*Tập trung tìm hướng tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những hiệu quả, dạy nghề cho LĐNT trong khu vực vẫn còn những bất cập, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Đó là thời gian đào tạo chưa phù hợp với quá quy trình sản xuất, sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Kinh phí phân bổ hàng năm tại một số địa phương giao chậm, nhưng lại yêu cầu quyết toán cuối năm(31/12).Do đó các địa phương rất khó thực hiện, dù thông tư liên tịch 112(LĐ-TBXH-Tài chính)quy định kinh phí chưa sử dụng được phép quyết toán năm kế tiếp. Các đại biểu cho rằng quy định chỉ được tạm ứng 30% kinh phí để tổ chức lớp dạy nghề, trên thực tế rất khó khăn cho cơ sở dạy nghề vì “Khi tổ chức, mở lớp dạy nghề phải chi phí ngay cho đội ngũ giảng viên, nguyên vật liệu thực hành, thuê lớp học, điện, nước, hỗ trợ tiền ăn cho học viên...”. Quá trình triển khai Đề án 1956 một số địa phương do buông lỏng quản lý, không sâu sát nên để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ dạy nghề, mua thiết bị… không sát thực tế. Một số địa phương xác định nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp cũng như xã hội, dẫn đến người học xong không có việc làm, dù Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Dạy nghề đã yêu cầu “Không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được việc làm, thu nhập cho người lao động”.Việc triển khai dạy nghề nông nghiệp của các Sở NN&PTNT ở nhiều địa phương còn lúng túng, kết quả thực hiện thấp như: Quảng Ngãi, Bình Định..
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lưu ý cách tổ chức bố trí thời lượng chương trình đào tạo nghề LĐNT cần phải phù hợp, sát thực tiễn. “Phải phân tích, đánh giá đúng nguyên nhân thành công, hạn chế để có sở đánh giá, điều chỉnh đưa ra những đề xuất cụ thể và thiết thực hơn trong thời gian tới”.
Sáu tháng năm 2013, trong 21.708 người đã học xong, có 17.725 đã tìm được việc làm mới hoặc làm nghề cũ cho năng suất, thu nhập cao hơn. Trong đó có 4.861 người đựơc doanh nghiệp tuyển dụng; 1.000 người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; hơn 11.000 người tiếp tục làm nghề cũ cho năng suất, thu nhập cao hơn trước… |