Ảnh minh họa: Internet
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa lãnh đạo
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa lãnh đạo là một hệ thống quan điểm sâu sắc của Người về những cái đẹp, giá trị trong hoạt động lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có đội ngũ chính trị viên trong quân đội phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm của từng đơn vị, từng thời điểm lịch sử; thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trình độ và mức độ được đào tạo, bồi dưỡng của người lãnh đạo. Những chỉ dẫn của Người đạt đến tầm cao của văn hóa lãnh đạo đối với đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khi đề cập đến vị trí, vai trò của chính trị viên trong công tác lãnh đạo đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chính trị viên phải giữ vững phương hướng chính trị mọi hoạt động của đơn vị và trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Người nhấn mạnh: “Con đường chính trị là cái kim chỉ nam của quân đội, chính trị viên là người nắm cái kim ấy”(1). Chính trị viên có ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của bộ đội và đơn vị. Đồng thời, Người khẳng định: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”(2).
Trong quan hệ với người chỉ huy, Người cho rằng “Trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng”(3). Trong đơn vị Quân đội nhân dân, sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và hoạt động chỉ huy được thông qua chế độ hai thủ trưởng là thủ trưởng quân sự và thủ trưởng chính trị. Thủ trưởng quân sự chịu trách nhiệm về huấn luyện quân sự, chỉ huy chiến đấu, các mặt công tác hành chính, hậu cần, kỹ thuật. Thủ trưởng chính trị chịu trách nhiệm công tác xây dựng Đảng và công tác chính trị. Ngoài ra, chính trị viên trong đơn vị còn tham gia chỉ huy, quản lý đơn vị. Để đáp ứng và hoàn thành tốt chức trách của mình, chính trị viên phải có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những đồng chí làm công tác chính trị, không quen công tác chuyên môn, không lãnh đạo được”(4).
Trong quan hệ với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hoá, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội. Chính trị viên cần phải biết rõ và báo cáo cho cấp trên rõ số lượng và chất lượng của bộ đội mình. Khen thưởng người tốt, trừng phạt người xấu, cũng là trách nhiệm của chính trị viên”(5). Về văn hóa lãnh đạo của chính trị viên đối với cấp dưới, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(6).
Giải pháp nâng cao việc tự học, bồi dưỡng văn hóa lãnh đạo cho chính trị viên ở các đơn vị cơ sở Quân đội nhân dân Việt Nam
Một là, việc tự học, rèn luyện trong nâng cao văn hóa lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Để đẩy mạnh hoạt động tự học, rèn luyện đạt kết quả cao, đòi hỏi mỗi chính trị viên phải có thái độ đúng đắn đối với việc tự học, tự rèn luyện nâng cao văn hóa lãnh đạo. Việc xây dựng được động cơ đúng đắn sẽ tạo lòng đam mê với nhiệm vụ đặt ra. V.I.Lênin từng căn dặn: “Không có sự xúc cảm của con người thì xưa nay không có và không thể có sự tìm tòi chân lý”. Sự “xúc cảm” của mỗi cá nhân chính trị viên với nhiệm vụ nâng cao văn hóa lãnh đạo là nguồn động lực được nảy sinh từ bên trong, thôi thúc họ vươn lên trong thực tiễn công tác lãnh đạo chính trị tại đơn vị.
Về nhận thức, đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở Quân đội nhân dân cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trước hết được khẳng định, quyết định bởi năng lực, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công tác của bản thân họ, trong đó có mặt quan trọng được thể hiện ở văn hóa lãnh đạo. Đối với chính trị viên, cần nhận thức sâu sắc, ý nghĩa của việc xây dựng và nâng cao văn hóa lãnh đạo, ra sức rèn luyện, nâng cao trách nhiệm trong việc học tập và rèn luyện bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng về tư tưởng. Đồng thời, phải xây dựng uy tín thực sự đối với cán bộ, chiến sĩ trên cơ sở đức, tài và phong cách lãnh đạo của chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Để có năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mỗi chính trị viên phải tăng cường đẩy mạnh hoạt động tự học, tự rèn luyện; có quyết tâm cao, tích cực nắm chắc thực tiễn, chủ động cầu thị, thì chắc chắn sẽ tích lũy được kiến thức, đúc rút được nhiều kinh nghiệm tốt trong thực tiễn hoạt động lãnh đạo đơn vị.
Hai là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp và mỗi cơ quan, đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị trong hướng dẫn việc tự học, tự rèn luyện của chính trị viên là công việc thường xuyên, liên tục để kiên quyết khắc phục tình trạng lười học, ngại rèn luyện. Đồng thời, cần ban hành các nghị quyết của tổ chức đảng các cấp, tùy theo từng cấp, từng thời điểm và yêu cầu nhiệm vụ để đề ra mục tiêu, biện pháp cụ thể. Đây là cơ sở chính trị - pháp lý, căn cứ để người chỉ huy lập kế hoạch, tổ chức thực hiện việc tự học, tự rèn của đội ngũ chính trị viên sát với yêu cầu, mục tiêu của từng giai đoạn, của từng đối tượng cụ thể.
Ba là, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền về ý nghĩa của tự học, tự rèn luyện đối với việc nâng cao văn hóa lãnh đạo của chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự giác ngộ của chính trị viên với nhiệm vụ chính là nguồn động lực có ý nghĩa quyết định để duy trì được phong trào tự học, tự rèn luyện một cách sôi nổi, có hiệu quả trong phạm vi toàn đơn vị, toàn lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền làm cho mọi chính trị viên thấy rõ được việc tự học, tự rèn luyện là một giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của họ.
Để làm rõ vai trò, ý nghĩa của việc tự học, tự rèn luyện của chính trị viên thì hoạt động giáo dục, tuyên truyền phải được triển khai bằng nhiều nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, sáng tạo. Việc giáo dục, tuyên truyền đó có thể được thực hiện trong các đợt quán triệt, nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng, các chỉ thị của cấp trên; trong hoạt động giao ban hàng tuần, hàng tháng; kết hợp trong các buổi thông báo thời sự chính trị; diễn đàn sinh hoạt chung của đơn vị, trao đổi của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy với từng người, từng nhóm chính trị viên.
Bốn là, chính trị viên cần tích cực bồi dưỡng phương pháp tự học, tự rèn luyện văn hóa lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn ở các đơn vị cơ sở cho thấy, phương pháp tự học, tự rèn luyện trong nâng cao văn hóa lãnh đạo của chính trị viên còn nhiều hạn chế. Do vậy, để nâng cao kết quả tự học, tự rèn luyện của chính trị viên ở đơn vị cơ sở, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng cần đưa ra các phương pháp tự học, tự rèn luyện cho chính trị viên và triển khai thực hiện một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Để có bản kế hoạch tự học, tự rèn luyện thực sự khoa học, có tính khả thi, bên cạnh sự chủ động của mỗi chính trị viên thì lãnh đạo, chỉ huy cần hướng dẫn hết sức cụ thể. Phải căn cứ vào điểm mạnh, điểm yếu của mỗi chính trị viên mà đề ra yêu cầu, nội dung cần tập trung tự học, tự rèn luyện. Để hướng dẫn chính trị viên xây dựng được một kế hoạch phản ánh đúng yêu cầu khách quan, các cấp lãnh đạo, chỉ huy phải thực sự sâu sát, đánh giá chính xác năng lực hiện có của mỗi chính trị viên. Nội dung xây dựng kế hoạch của mỗi chính trị viên đã hàm chứa cả việc xác định phương pháp tự học, tự rèn luyện. Việc bồi dưỡng cần triển khai bằng nhiều nội dung, hình thức như tổ chức phổ biến, trao đổi những kinh nghiệm hay về tự học, tự rèn luyện của các tấm gương trong lịch sử, của đồng nghiệp trong đơn vị mình hoặc đơn vị bạn cũng như kinh nghiệm của bản thân cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tự học, tự rèn luyện văn hóa lãnh đạo của chính trị viên. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch là một động lực quan trọng kích thích việc thực hiện kế hoạch. Mặt khác, thông qua kiểm tra, đánh giá rút ra được những ưu điểm, hạn chế của từng chính trị viên trong thực hiện kế hoạch đề ra. Để công tác kiểm tra thực sự có hiệu quả đòi hỏi phải có động cơ đúng đắn, có phương pháp kiểm tra khoa học, tiến hành kiểm tra thực sự sâu sát, tránh hiện tượng qua loa, đại khái, hình thức. Các tổ chức đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động lãnh đạo của chính trị viên nhằm đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên phải theo hướng đề cao tiêu chí văn hóa lãnh đạo. Để động viên kịp thời tinh thần tự học, tự rèn luyện của đội ngũ chính trị viên, kết quả kiểm tra cần được coi là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với mỗi chính trị viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh tự học, tự rèn luyện của văn hóa lãnh đạo của chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở đơn vị cơ sở là một định hướng, giải pháp không thể thiếu trong nâng cao văn hóa lãnh đạo của họ. Muốn đẩy mạnh việc tự học, tự rèn luyện có hiệu quả, kết quả cao thì yêu cầu đặt ra là phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức, giữa tính chủ động, tự giác của bản thân đội ngũ, tính đúng đắn trong lựa chọn hình thức, phương pháp của mỗi cán bộ với vai trò của tổ chức đảng, người chỉ huy các cấp, cơ quan chức năng và của toàn đơn vị./.
------------------------------
Ghi chú:
(1) Hội Tân Văn Hóa, Cuốn sách của chính trị viên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1945, tr. 24-25.
(2),(3),(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.484, tr.486, tr.484.
(4) Sđd, Toàn tập, tập 12, tr.153.
(5) Sđd, Toàn tập, tập 6, tr.320.
Đinh Văn Hùng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng