Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, Tổng điều tra giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin của khoảng 5,2 triệu cơ sở SXKD cá thể và khoảng 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến lực lượng tham gia Tổng điều tra giai đoạn 2 khoảng 30 nghìn người, trong đó có khoảng 25 nghìn điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và sử dụng thành thạo các thiết bị di động (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh) sẽ được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.
Theo Phương án Tổng điều tra ban hành kèm theo Quyết định số 1344/QĐBKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Tổng điều tra giai đoạn 2 sẽ thực hiện từ ngày 01-30/7/2021 nhằm thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (viết gọn là cơ sở SXKD cá thể) và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên cả nước.
Tổng điều tra giai đoạn 2 nhằm thu thập thông tin cơ bản của các cơ sở SXKD cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về tình hình sản xuất kinh doanh, kinh tế số, thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù của các ngành và địa phương. Kết quả này cùng với các thông tin của khối doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội đã được thu thập giai đoạn 1 để tổng hợp bức tranh chung phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế; là căn cứ để xây dựng Chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối tượng điều tra: Đối tượng điều tra là tổ chức, cá nhân chứa đựng thông tin cần thu thập, bao gồm các cơ sở SXKD cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Cụ thể: Cơ sở SXKD cá thể là cơ sở kinh doanh của hộ gia đình/cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực không thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn của một xã/phường/thị trấn.
Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là đơn vị cơ sở của đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng' trong phạm vi địa bàn một xã.
Về nội dung thông tin trong Tổng điều tra: Đối với cơ sở SXKD cá thể, các thông tin thu thập bao gồm: thông tin về tên, địa chỉ, người đứng đầu và tình trạng đăng ký kinh doanh của cơ sở; thông tin về lao động, tài sản, hoạt động SXKD, sản phẩm, kết quả SXKD và tình hình sử dụng năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong SXKD của cơ sở.
Đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng các thông tin thu thập bao gồm: thông tin về tên, địa điểm, người đứng đầu cơ sở, loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin về lao động, tài sản, hoạt động và tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của cơ sở.
Về phương pháp thu thập thông tin: Tổng điều tra giai đoạn 2 thực hiện thu thập thông tin của các cơ sở SXKD cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp với hình thức phiếu điện tử. Điều tra viên thống kê trực tiếp đến từng cơ sở để gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở/quản lý) để phỏng vấn, kết hợp quan sát đối tượng điều tra và hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điện tử được thiết kế để cài đặt trên điện thoại thông minh.
Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền (thực hiện trong tháng 6 - 7/2021), làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và kế hoạch thực hiện Tổng điều tra giai đoạn 2 đến các cấp, các ngành và toàn bộ cơ sở SXKD cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và nhân dân nhằm khuyến khích, động viên các cơ sở thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cho điều tra viên thống kê.
Tập trung tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng: (i) Tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử ở Trung ương, địa phương; (ii) Phát sóng video tuyên truyền trên VTV1, VTV3, chạy chữ tuyên truyền dưới chân màn hình các bản tin và chương trình thời sự VTV1; tọa đàm trên VTV1; phóng sự trên VTV1, VOV1, truyền hình thông tấn xã; các bài viết trên báo in, báo điện tử, video clip 40 giây tuyên truyền về Tổng điều tra giai đoạn 2 trên VTV 1 và VTV3; (iii) Sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử: Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng cục Thống kê; Tạp chí Con số và Sự kiện; Viện Khoa học Thống kê; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã; Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuyên truyền qua tin nhắn: nhắn tin gửi tới các chủ cơ sở SXKD cá thể, người đứng đầu cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để tuyên truyền cung cấp thông tin của Tổng điều tra.
Tuyên truyền tại các hội nghị và các hình thức tuyên truyền khác: (i) Tuyên truyền tại cuộc họp giao ban Báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương; (ii) Tuyên truyền tại các cuộc họp báo, họp giao ban, hội nghị; (iii) Tuyên truyền trên Tạp chí Con số và Sự kiện, Thông tin khoa học Thống kê; (iv) Bảng điện tử (LED) của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (v) Họp tổ dân phố; (vi) Cổ động thông qua các đội tuyên truyền văn hoá lưu động và các hoạt động văn hoá thể thao; (vii) Tổ chức Lễ ra quân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.