Từ đó, vai trò của kinh tế tập thể được đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao về quy mô và chất lượng.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tế, trong những năm qua, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng.
“Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò lớn trong việc cải thiện và nâng cao đời sống người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Từ kết quả thực tiễn triển khai trong thời gian qua, đặc biệt, trong 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tới đây, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới” – đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Báo cáo của Liên minh hợp tác xã Việt Nam nêu rõ, kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta đã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài. Đáng chú ý, bộ phận lớn hợp tác xã cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Xuất hiện nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả với vai trò tư vấn và hỗ trợ nòng cốt của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tác động lan tỏa như: Hợp tác xã Sinh Dược - Ninh Bình, Hợp tác xã Mỹ Đông - Đồng Tháp, Hợp tác xã Mỹ Tịnh An - Tiền Giang, Hợp tác xã Xuyên Việt - Hải Dương, Hợp tác xã Ái Nghĩa - Quảng Nam...
Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; một bộ phận lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường; đóng góp cho phát triển nền kinh tế-xã hội còn hạn chế; đang có một số “điểm nghẽn” trong nhận thức và hiểu biết chưa đúng về cơ chế hoạt động và vai trò của hợp tác xã, pháp luật và chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ ngành chưa thực sự quan tâm đến kinh tế hợp tác và hợp tác xã.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh, nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của báo chí trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là truyền thông, phân tích, làm rõ những nội dung quan trọng của Nghị quyết 20, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tuyên truyền nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phổ biến, phân tích, làm rõ các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể; Tuyên truyền về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặc biệt là vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Cũng theo đồng chí Lê Quốc Minh, đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo, Liên minh Hợp tác xã và các cơ quan báo chí tổ chức một hội nghị quy mô lớn như vậy, kết hợp nhiều gian trưng bày sản phẩm của các hợp tác xã để báo chí có cơ hội trực tiếp thị sát, tuyên truyền thúc đẩy các thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã tới người dân trong cả nước.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Do đó, để thúc đẩy nhanh quá trình này, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…