Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ tư, 12/06/2013 15:14

Tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

img

Với quan điểm “tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân”, “thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng”, Đề án nhằm ba mục tiêu chính:

Thứ nhất, duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6% - 3,0%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015, từ 3,5 – 4,0%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020;

Thứ hai, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020;

Thứ ba, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42 – 43% năm 2015 và 45% vào năm 2020, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

Theo Đề án, mục tiêu phát triển bền vững cần phải được áp dụng xuyên suốt trong tái cơ cấu từng lĩnh vực trên cả ba khía cạnh “kinh tế”, “xã hội” và “môi trường”. Trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm;…

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi;…

Đối với thủy sản, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung Bộ;…

Đối với lâm nghiệp, tập trung phát triển và tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng của cả nước, phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng; cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng;…

Đối với sản xuất muối, mở rộng diện tích sản xuất muối công nghiệp hiện đại, quy mô lớn; phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất muối; áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng muối. Đến năm 2020, sản lượng muối cả nước đạt khoảng 1,35 triệu tấn, trong đó muối công nghiệp chiếm 70%, muối thủ công chiếm 30%.

Trong phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn, cần ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; quy hoạch phát triển làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý đủ sức cạnh tranh, thích hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống;…

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án này; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội cho Đề án./.

Theo Phương Nghi - cpv.org.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top