Đẩy mạnh phổ cập an toàn thông tin mạng

Thứ sáu, 03/12/2021 10:16

Theo dự báo của Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vào năm 2025, số lượng các cuộc tấn công mạng và mã độc mới sẽ tăng tương ứng 3 lần và 2,4 lần so với năm 2020; số lỗ hổng, điểm yếu mới xuất hiện cũng tăng gấp 1,75 lần.

antoanthongtin.jpg

 Theo dõi, giám sát an ninh mạng tại Ban Cơ yếu Chính phủ. Ảnh: ĐỨC TUẤN.

Vì thế, để bảo đảm ATTT cho các tổ chức, cá nhân và người dân trên không gian mạng, việc phổ cập ATTT đến người dân là hết sức quan trọng.

Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021) diễn ra cuối tháng 10-2021, Bộ TT&TT cho biết, trung bình thời gian sử dụng internet của mỗi người Việt Nam khoảng 7 tiếng/ngày và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ mất ATTT trên mạng sẽ cao hơn. Trong khi đó, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 900 cuộc tấn công mạng, phát hiện khoảng 40 lỗ hổng mới và cứ mỗi giây có tới 5 mã độc mới sinh ra.

Phân tích thêm về nguy cơ này trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT dự báo, vào năm 2025, mỗi giây sẽ có hàng nghìn cuộc tấn công mạng và hàng chục mã độc mới; số lỗ hổng, điểm yếu mới xuất hiện mỗi ngày vào năm 2025 là khoảng 70, tăng 1,75 lần so với năm 2020. Từ thực tế này, ông Phúc cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có những hành động cụ thể để tạo lập niềm tin số, nâng cao thứ hạng của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về ATTT trên mạng. Theo đó, từ nay đến năm 2025, có 6 nhóm hành động cần phải tập trung triển khai, gồm: Bảo đảm ATTT cho hạ tầng số; bảo vệ dữ liệu số; bảo vệ hệ thống thông tin cơ quan Đảng, Nhà nước; bảo vệ hệ thống thông tin trong các lĩnh vực quan trọng; xây dựng môi trường mạng an toàn; bảo đảm thông tin lành mạnh trên không gian mạng.

Trước đó, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Bảo đảm ATTT cho các tổ chức, cá nhân và người dân trên không gian mạng là mục tiêu quan trọng. ATTT trên mạng giờ đây là câu chuyện của mọi người. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai chiến dịch phổ cập những kiến thức cơ bản về ATTT trên mạng cho người dân”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về ATTT, các cuộc tấn công lừa đảo sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ thiệt hại lớn hơn bởi cách thức tấn công tiên tiến hơn, đặc biệt khi chúng nhắm vào hệ thống ngân hàng. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần thích nghi và có biện pháp ứng phó hiệu quả. Để giảm rủi ro cũng như góp phần bảo đảm ATTT mạng quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp có hệ thống thông tin trọng yếu nên sử dụng thêm các giải pháp bảo mật trong quá trình làm việc từ xa của nhân viên, đồng thời, chú trọng đào tạo nâng cao nhận thức cho người sử dụng...

Ông Đỗ Việt Thắng, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) kiến nghị: “Để hệ thống thông tin luôn được an toàn thì các tổ chức, doanh nghiệp phải bảo đảm hệ điều hành và các ứng dụng (nhất là ứng dụng có kết nối internet) được vá và cập nhật đầy đủ. Tiếp đến, cần chú trọng đào tạo cho nhân viên những kiến thức, thực hành về an ninh mạng; chỉ sử dụng các công nghệ bảo mật cao khi thực hiện kết nối từ xa; luôn thực hiện đánh giá bảo mật trên toàn hệ thống mạng. Ngoài ra, các tổ chức và doanh nghiệp cần đầu tư sử dụng nhiều giải pháp bảo vệ thiết bị đầu cuối có các chức năng trong việc phát hiện ransomware (mã độc tống tiền), phát hiện các hành vi bất thường, đặc biệt là có khả năng khôi phục, hoàn tác các tệp tin khi không may bị tấn công; cập nhật, nắm bắt các dữ liệu về xu hướng tấn công mạng”.

Theo ông Đào Xuân Mừng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phần mềm và hỗ trợ công nghệ (Misoft), chỉ cần nhấp chuột vào một đường link trên Facebook, Zalo, email... là người dùng đã có thể làm lây lan virus cho toàn hệ thống máy tính, "tiếp tay" cho tin tặc... gây hậu quả khôn lường. Vì thế, việc phổ cập ATTT trên mạng cho người dân cần lưu ý từ những kiến thức, kỹ năng đơn giản nhất (thiết lập mật khẩu mạnh, truy cập vào mạng của công ty thông qua mạng riêng ảo, bật xác thực đa yếu tố để được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công điều khiển máy tính từ xa, không cài đặt/sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc...) đến phổ biến kiến thức về pháp luật ATTT. Người dân tuân thủ tốt các nguyên tắc an toàn khi sử dụng internet sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc, an toàn cho cả hệ thống thông tin quốc gia.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top