HTX Dịch vụ Di Trạch, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội có tổng diện tích canh tác 40ha. Trong đó, hơn 20ha trồng ổi Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, số diện tích còn lại trồng táo, dưa lê, hồng xiêm… Nhờ sản xuất sạch, chú trọng an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ của HTX Dịch vụ Di Trạch chủ yếu ở Hà Nội, siêu thị, cửa hàng rau củ quả sạch và một số tỉnh lân cận. Hiện ổi có giá bán dao động từ 12 - 25 nghìn đồng/kg.
Để có được kết quả ban đầu trên, các thành viên của HTX Di Trạch luôn nỗ lực phấn đấu để giữ gìn và phát triển thương hiệu ổi VietGAP của địa phương. Bên cạnh đó, HTX luôn tích cực tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm; tham ra và giới thiệu sản phẩm ở tất cả các hội chợ hàng tiêu dùng và sàn thương mại điện tử.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Khánh Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội với 30ha sản xuất, hợp tác xã được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo cơ hội giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm hiện tại, có nhiều nơi phải “giải cứu” ổi với giá chỉ 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.
Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố và Bưu điện Hà Nội phối hợp rà soát, thu thập thông tin tối thiểu 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu và bán nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng…
Đại diện lãnh đạo Bưu điện TP. Hà Nội thông tin, để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, Bưu điện thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các bên liên quan thực hiện một số nhiệm vụ như: Rà soát, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn Postmart.vn/ Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng; đồng thời phối hợp xây dựng dữ liệu về các hàng hóa, nông sản an toàn, chất lượng cao…
Cạnh đó, để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở NN - PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn cho các hộ sản xuất.
Mặt khác, Sở NN - PTNT hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản. Sở Công Thương hỗ trợ các sàn thương mại điện tử thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội cho hay, để đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố… |