Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo
Australia vốn được biết đến với chất lượng giáo dục và đào tạo, năng lực nghiên cứu cao, nền kinh tế số tiên tiến và cam kết mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo thông qua Chương trình Đổi mới sáng tạo và khoa học quốc gia. Do đó, Hội thảo Hợp tác đào tạo ngành CNTT-TT Việt Nam – Australia 2018 được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, công ty của Việt Nam và Australia trao đổi kinh nghiệm giáo dục và tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực ICT nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia, đồng thời là một hoạt động thiết thực triển khai tích cực Thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia mới được ký kết ngày 15/3/2018.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Yvonne Chan, Phó Tổng Lãnh sự phụ trách Thương mại, Tổng Lãnh sự quán Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể đối với kinh tế, xã hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Tổng lãnh sự quán Australia khẳng định: Chính phủ Australia sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả ứng phó với cuộc cách mạng này. Bà Yvonne Chan tin tưởng, với sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu ngành CNTT Việt Nam - Australia, Hội thảo là cơ hội để nhiều ý tưởng, giải pháp phát triển được đưa ra; nhiều quan hệ đối tác kinh doanh, sáng tạo được hình thành giữa các tổ chức, đơn vị của Việt Nam và Australia.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Bộ TT&TT đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời hoan nghênh việc tăng cường và mở rộng hoạt động hợp tác về giáo dục đào tạo trong lĩnh vực CNTT giữa hai nước.
Thứ trưởng cho biết: Hợp tác giáo dục và đào tạo là phương thức hữu hiệu để củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Australia. Hiện nay, số lượng sinh viên Việt Nam sang Australia học tập, nghiên cứu ngày càng tăng, đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, đồng thời giúp tăng khả năng tiếp cận và triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Australia ở nước ta.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định CNTT-TT là một hạ tầng quan trọng của các hạ tầng, là công cụ hữu hiệu để tạo lập phương thức phát triển mới, động lực phát triển kinh tế tri thức và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Thứ trưởng cho hay.
Hiện nay, Việt Nam có 250 trường đại học và cao đẳng; 164 trường dạy nghề có đào tạo CNTT-TT với chỉ tiêu tuyển sinh đại học khoảng 68.000 và dạy nghề là 18.000 học viên. Ngoài ra, ở Việt Nam cũng có hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT. Tuy nhiên, Thứ trưởng thẳng thắn cho rằng, số lượng và chất lượng đào tạo của các trường đại học và các cơ sở đào tạo cần được cải thiện để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển. Theo dự đoán, Việt Nam sẽ cần 400.000 nhân lực CNTT trong giai đoạn từ 2016-2020. Đây sẽ là con số khiến không ít doanh nghiệp đau đầu.
Thứ trưởng nhận định: "Hiện nay, các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo chuyên sâu về CNTT-TT để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tạo nên thế hệ lao động mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi trong kỷ nguyên kinh tế số. "
Thứ trưởng khẳng định: Bộ TT&TT rất mong muốn Hội thảo mang đến nhiều thông tin, kiến thức hữu ích của Australia trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các yếu tố nảy sinh liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia về CNTT, đại diện các doanh nghiệp và các trường đại học của hai nước đã trao đổi, thảo luận, thẳng thắn chỉ ra những cơ hội và thách thức to lớn của Việt Nam trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành CNTT-TT trước ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0.