Ảnh minh họa
Thông tin cơ sở là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, thông tin cơ sở còn là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở, cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân. Thực tế đã cho thấy, thông tin cơ sở đã phát huy được hiệu quả cao trong tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của Trung ương, của tỉnh, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo niềm tin, sự ủng hộ của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Đánh giá đúng tầm quan trọng của thông tin cơ sở trong tình hình mới, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã bám sát nội dung Chỉ thị số 07-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tình hình thực tế đã quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác thông tin cơ sở, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết trên các lĩnh vực đời sống, chú trọng thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo đồng chí Lâm Sách - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, thông tin về cơ sở được đưa bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, vừa có các loại hình thông tin truyền thống, truyền thông đại chúng, vừa có sự kết hợp với các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng công nghệ thông tin, các thiết chế văn hóa - thông tin ở cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên... để việc tiếp cận thông tin của các tầng lớp nhân dân ngày càng được gần hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời và đạt hiệu quả.
Cùng với các cơ quan truyền thông khác của tỉnh, thời gian qua, Báo Sóc Trăng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình với 3 ấn phẩm: báo in, báo điện tử và báo chữ Khmer với số lượng phát hành thường xuyên liên tục, đáp ứng nhu cầu độc giả. Đặc biệt, báo điện tử với 54 chuyên mục phản ánh toàn diện các hoạt động của đời sống xã hội có mức truy cập bình quân trên 150.000 lượt/ngày, đã kịp thời thông tin, tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, ghi nhận, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc mà người dân kiến nghị, phản ánh đến cấp ủy, chính quyền.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Triều - Tổng Biên tập Báo Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng xác định nhiệm vụ tuyên truyền, hướng đến cơ sở, vì cơ sở mà phục vụ. Từ đó đã có những định hướng thay đổi phương thức hoạt động và các tin, bài, sản phẩm tuyên truyền. Gần đây báo điện tử còn thực hiện các sản phẩm mới như: Infographic, Podcasts, Video clip nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu độc giả.
Theo đồng chí Lâm Sách, nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị nói chung và trong hoạt động thông tin cơ sở nói riêng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đầu tư phương tiện, kỹ thuật công nghệ thông tin, thuê đường truyền mạng từ nhà cung cấp trang bị từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức các hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, thông tin thời sự chuyên đề, chỉ đạo điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thông tin, tuyên truyền pháp luật... một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu thông tin cơ sở, nhất là trong những tình huống khẩn cấp.
Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào hoạt động của mình như mua sắm các thiết bị hiện đại; phần mềm ứng dụng trong thông tin truyền thanh, đầu tư, nâng cấp trang thông tin điện tử, xây dựng mạng nội bộ, xây dựng phòng họp trực tuyến, ứng dụng các mạng xã hội, viễn thông để thông tin. Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, ngoài sóng phát thanh và 2 kênh truyền hình STV1, STV2 thì còn có trang thông tin điện tử tổng hợp và các trang mạng xã hội, như: facebook, youtube, tiktok.
Tại huyện Châu Thành (Sóc Trăng), đến nay, mạng lưới đường dây truyền thanh toàn huyện có 423 loa, trong đó 107 loa hữu tuyến, 254 loa FM, 62 loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, có 6 trạm cơ sở lắp đặt hệ thống thu, phát tự động, thị trấn Châu Thành sử dụng 100% hệ thống sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông điều khiển vận hành trên điện thoại hoặc máy vi tính. Cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở được đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.
Với sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị kết hợp với việc được đầu tư công nghệ sẽ góp phần đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho người dân. Những thông tin chính thống còn góp phần đấu tranh, phản bác các nội dung sai trái, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận xã hội ở cơ sở.