Đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở: Công thương, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và Văn phòng UBND tỉnh.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NN&PTNT đã ứng dụng CÐS, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao. Việc thực hiện CĐS bước đầu đã được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan, như: Việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn…
Tuy nhiên, quy mô ứng dụng CĐS còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nguyên nhân được đưa ra chính là do: Cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đặt câu hỏi và đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn để việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT thực sự hiệu quả.
Trong kế hoạch CĐS, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp… Đồng thời, thu hút doanh nghiệp, người dân tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, quản lý, giám sát nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số...
Song song với đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam nhằm đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô (gồm hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng cây trồng...) và kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật, đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, CĐS được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam. Đây là một hành trình xuyên suốt, liên mạch đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan nhằm thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp. Trong đó, vấn đề trước mắt cần phát triển nền nông nghiệp minh bạch về số liệu, nguồn gốc, chất lượng, giá thành… từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất, lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp và từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành.
Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng khẳng định vai trò, lợi ích của việc CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế, do đó Sở NN&PTNT mong muốn nhận được sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, các doanh nghiệp và Nhân dân cùng vào cuộc để hình thành tư duy, nhận thức mới trong sản xuất, từng bước thực hiện CĐS góp phần gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho mọi tầng lớp Nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình CĐS trong ngành NN&PTNT nói riêng và quá trình CĐS nói chung của tỉnh Thanh Hoá.